Có nhiều nghịch lý đang tồn tại trên thị trường nông sản: người tiêu dùng sẵn sàng bỏ hàng trăm ngàn đồng mua 1-2kg rau củ quả hữu cơ nhập khẩu từ nước ngoài nhưng lại ngại ngần mua hàng sạch sản xuất trong nước; người nông dân hiểu rõ nông sản sạch đem lại nhiều lợi nhuận song lại ngại đầu tư đường dài...
Có nhiều nghịch lý đang tồn tại trên thị trường nông sản: người tiêu dùng sẵn sàng bỏ hàng trăm ngàn đồng mua 1-2kg rau củ quả hữu cơ nhập khẩu từ nước ngoài nhưng lại ngại ngần mua hàng sạch sản xuất trong nước; người nông dân hiểu rõ nông sản sạch đem lại nhiều lợi nhuận song lại ngại đầu tư đường dài... Nói cho cùng, những nghịch lý này đều xuất phát từ sự thiếu lòng tin giữa người tiêu dùng và người sản xuất, và trong câu chuyện chung đó ai cũng có nguyên cớ của mình.
Nguyên cớ của người sản xuất là “tôi bỏ tiền, bỏ công làm rau sạch làm gì khi giá bán cũng như rau chợ?”. Nguyên cớ của người tiêu dùng là “làm sao tôi dám tin đây là rau sạch thực sự khi các hệ thống kiểm soát chất lượng yếu ớt và chế tài xử phạt còn quá nhẹ?”. Cũng từ đó, không ít người sản xuất trở nên e dè trong việc đầu tư và theo đuổi những mô hình sản xuất rau củ quả sạch một cách lâu dài, trừ khi họ có thể tham gia những kênh phân phối riêng, còn lại rau củ quả bán đại trà tại các chợ chủ yếu vẫn lấy nguồn từ những vùng rau canh tác bình thường.
Không thể phủ nhận, nhiều năm qua, đi cùng với sự tiến bộ về nhận thức của người tiêu dùng và những đòi hỏi chính đáng của họ về chất lượng nông sản, sản xuất nông nghiệp theo các chuẩn an toàn, ví dụ VietGAP hay GlobalGAP và sắp tới là chuẩn hữu cơ của riêng Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt, song để nó trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi người sản xuất thì còn khá nhiều việc phải làm. Điều này đòi hỏi sự chung tay của nhiều phía: Nhà nước cần có hệ thống kiểm soát chất lượng nông sản tốt hơn, chi tiết hơn và chế tài đủ mạnh một cách kịp thời đối với nông sản “bẩn”; người sản xuất phải có tư duy làm hàng sạch ngay từ đầu; doanh nghiệp và các hệ thống phân phối dành sự ưu tiên thích hợp hơn cho nông sản sạch và cuối cùng, người tiêu dùng cần xây dựng lại lòng tin đối với người sản xuất.
Dĩ nhiên không dễ gì trong “một sớm một chiều” là có thể giải quyết được những nghịch lý, hệ lụy đã tồn tại nhiều năm trên thị trường nông sản hiện nay, song vẫn cần phải làm nhanh hơn, quyết liệt hơn vì lợi ích lâu dài của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất, đồng thời nâng cao hơn vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vi Lâm