Báo Đồng Nai điện tử
En

"Hai mặt" của BT

09:02, 24/02/2019

Triển khai các dự án BT theo kiểu "đổi đất lấy hạ tầng" là một trong những cách làm phổ biến mấy năm gần đây tại nhiều địa phương, khi nhu cầu vốn để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng ngày càng cao trong khi nguồn ngân sách có hạn.

Triển khai các dự án BT theo kiểu “đổi đất lấy hạ tầng” là một trong những cách làm phổ biến mấy năm gần đây tại nhiều địa phương, khi nhu cầu vốn để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng ngày càng cao trong khi nguồn ngân sách có hạn. “Đổi đất lấy hạ tầng” hiểu nôm na là trước một dự án hạ tầng (chủ yếu là các dự án phục vụ cộng đồng) mà vốn ngân sách không đủ để đầu tư thì nhà nước kêu gọi doanh nghiệp tham gia bằng cách doanh nghiệp bỏ tiền thực hiện dự án đó, và đổi lại, doanh nghiệp sẽ được nhận diện tích đất có giá trị tương đương kinh phí làm dự án.

Không thể phủ nhận cách làm này đã có những thành tựu đáng kể, đó là “mặt phải” bởi ưu điểm của nó là Nhà nước sẽ “được” hạ tầng, doanh nghiệp cũng có lợi khi khai thác tốt khu đất đã được “trao đổi”. Tuy nhiên, mặt trái và hệ lụy của đổi đất lấy hạ tầng cũng nảy sinh không ít, chính vì vậy đầu năm 2018, Chính phủ đề nghị tạm ngưng toàn bộ các dự án BT trên toàn quốc để xem xét lại.

Có 2 vấn đề cốt lõi làm phát sinh tất cả các hệ lụy trong các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng. Một là việc định giá khu đất dùng để trao đổi với doanh nghiệp chưa sát, giá quy đổi thấp hơn giá thị trường gây thiệt hại cho Nhà nước. Hai là nếu việc giám sát năng lực lẫn chi phí đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án hạ tầng không nghiêm minh, doanh nghiệp có thể “kê khống” chi phí dự án lên để hưởng lợi, chưa kể tiến độ và chất lượng của nhiều dự án bị buông lỏng. Tại nhiều địa phương, những mặt trái này đã bị chỉ ra, thậm chí phát sinh những tiêu cực rất lớn liên quan đến định giá đất và giám sát dự án, doanh nghiệp bỏ túi hàng ngàn tỷ đồng.

Thực ra, động thái tạm ngưng toàn bộ các dự án BT trên toàn quốc là cần thiết để các địa phương rà soát, đề xuất thêm các cơ chế giám sát nhằm hạn chế những mặt trái của cách làm này. Một trong những đề xuất đó là phải tiến hành đấu thầu công khai trên cả 2 gói đối với một dự án BT cụ thể: đấu giá khu đất dùng để trao đổi và đấu giá dự án hạ tầng cần làm. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho kiểu làm này cũng phải rất chặt chẽ để có thể giám sát trọn vẹn một dự án BT được thực hiện đúng và minh bạch từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Tuy nhiên, đến lúc nào thì các dự án BT mới được bổ sung đầy đủ các quy định và Chính phủ cho phép tái khởi động thì hiện vẫn là một câu hỏi lớn. Trong khi đó, hàng chục dự án cấp thiết tại Đồng Nai nói riêng và rất nhiều dự án BT nói chung trên phạm vi cả nước đang ngưng trệ có thể sẽ phát sinh lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức… của cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước nếu cứ kéo dài tình trạng “án binh bất động” như hiện tại.

Những biện pháp tìm vốn linh hoạt để tiếp tục các dự án cấp thiết như Đồng Nai đang làm, nói cho cùng cũng chỉ mang tính đối phó tình thế. Do đó, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn cụ thể để “giải cứu” nhiều dự án BT đang đình trệ.   

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều