Từ chối mua những loại thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, thiếu cơ sở về vệ sinh an toàn, không xác định được chất lượng và hạn sử dụng... là quyền cơ bản nhất, nhưng cũng là quyền "tối thượng" của người tiêu dùng trong quan hệ mua - bán hiện nay.
Từ chối mua những loại thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, thiếu cơ sở về vệ sinh an toàn, không xác định được chất lượng và hạn sử dụng... là quyền cơ bản nhất, nhưng cũng là quyền “tối thượng” của người tiêu dùng trong quan hệ mua - bán hiện nay.
Đó cũng là cách giải quyết căn cơ nhất cho vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường dịp cận Tết nói riêng và ngày thường nói chung, đặc biệt là với mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm, bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Tuy nhiên, mặc dù là lời giải căn cơ, lâu dài, ít tốn kém nhất trong việc kiến tạo một thị trường hàng hóa lành mạnh, nhưng có vẻ nhận thức và thái độ của người tiêu dùng trong nhiều năm qua vẫn chưa thay đổi tương xứng với tốc độ phát triển của thị trường hàng hóa. Thị trường càng rộng lớn với độ mở càng cao thì những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn không chân chính càng có nhiều “chiêu trò” tinh vi hơn để tăng lợi nhuận, bất chấp sức khỏe và tính mạng người mua.
Xét chung, quản lý thị trường là nhiệm vụ chính của Nhà nước với các công cụ kiểm tra, kiểm soát, xử phạt… để mọi thứ vận hành trơn tru, hiệu quả và những người làm ăn chân chính được bảo vệ. Tuy nhiên, trách nhiệm xây dựng một thị trường lành mạnh còn thuộc về một chủ thể khác - người tiêu dùng. Trong một thị trường rộng lớn và khá tự do, yêu cầu của người tiêu dùng là “kim chỉ nam” cho hành vi của doanh nghiệp. Khi mua hàng, yêu cầu khắt khe về hóa đơn, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, điều kiện bảo quản… chính là công cụ vô hình khiến giới kinh doanh không dám làm ăn qua quýt, trà trộn hàng kém chất lượng vào để kiếm lời. Người mua càng dễ dãi, càng tiếp tay cho hàng kém chất lượng tồn tại. Tại các nước phát triển, thói quen tiêu dùng kỹ càng đã được rèn luyện nhiều năm khiến phần lớn nhà sản xuất không dám lơ là từ khâu nhãn mác đến vận chuyển, bảo quản và đòi hỏi sự minh bạch đến từng chi tiết về thành phần, hạn sử dụng, các tác dụng phụ có thể xảy ra…
Càng gần Tết Nguyên đán - mùa mua sắm lớn nhất trong năm, người tiêu dùng càng nên bày tỏ thái độ chuyên nghiệp hơn, khắt khe hơn trong mua bán hàng hóa. Đặc biệt, kiên quyết từ chối những mặt hàng không nguồn gốc, xuất xứ và nhập nhèm về chất lượng. Đây cũng là cách thể hiện trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng một thị trường hàng hóa chất lượng và minh bạch.
Vi Lâm