Báo Đồng Nai điện tử
En

"Lằn ranh" nhạy cảm

09:01, 02/01/2019

Khi "quảng cáo" những miếng đất phân lô trái phép được sang nhượng bằng "giấy tay", giới "cò" đất thường động viên người mua "cứ mua đi, xây nhà ở đông là chính quyền sẽ phải hợp thức hóa khu dân cư đó, là tự nhiên mình thành...  hợp pháp".

Khi “quảng cáo” những miếng đất phân lô trái phép được sang nhượng bằng “giấy tay”, giới “cò” đất thường động viên người mua “cứ mua đi, xây nhà ở đông là chính quyền sẽ phải hợp thức hóa khu dân cư đó, là tự nhiên mình thành...  hợp pháp”.

Thực ra, lời “quảng cáo” này không phải không có cơ sở khi xét đến những khu dân cư từ tình trạng trái phép ban đầu nhưng về sau được hợp thức hóa, điển hình là một số khu dân cư tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) hình thành từ những năm 2007-2008, ngay trong cơn sốt đất 10 năm trước.

Dưới góc độ quản lý, việc hợp thức hóa một khu dân cư được xây dựng trái phép là để “cứu vãn” những sai sót trong quá trình quản lý cấp phép xây dựng, mặt khác, khi đã hình thành những khu dân cư tự phát sầm uất thì việc cưỡng chế di dời là vô cùng khó. Vậy nên, một số nơi sau nhiều lần cân nhắc, chính quyền đành chọn giải pháp hợp thức hóa để dễ bề quản lý.

Tuy nhiên, điều này không bao giờ nên trở thành một tiền lệ bởi sẽ vô cùng tai hại nếu xét về khía cạnh chấp hành pháp luật. Không thể luôn chọn cách hợp thức hóa cái sai vì người dân sẽ khó đặt lòng tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời gây ra những hệ lụy khác như phá vỡ quy hoạch chung, làm rối loạn thị trường nhà đất, tạo điều kiện cho tham nhũng…Cân nhắc giữa việc hợp thức hóa hay cưỡng chế theo pháp luật là một bài toán khó, đặt người quản lý giữa lằn ranh sai - đúng đầy nhạy cảm. Do đó, cần phải làm đúng, làm nghiêm ngay từ đầu để tránh hệ lụy cho nhiều phía.

Vi Lâm

Tin xem nhiều