Đúng 9 giờ sáng hôm nay 22-10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại tòa nhà Quốc hội (thủ đô Hà Nội) với chương trình làm việc dự kiến 24 ngày (không kể ngày nghỉ) và sẽ hội họp phiên bế mạc vào ngày 21-11.
Đúng 9 giờ sáng hôm nay 22-10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại tòa nhà Quốc hội (thủ đô Hà Nội) với chương trình làm việc dự kiến 24 ngày (không kể ngày nghỉ) và sẽ hội họp phiên bế mạc vào ngày 21-11.
Ngoài một số công tác nhân sự quan trọng, kỳ họp lần này sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự thảo luật khác, đồng thời xem xét một số báo cáo kết quả về kinh tế - xã hội quan trọng trong thời gian qua. Quốc hội cũng sẽ tiến hành công tác chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét các báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghe các báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và công dân trên nhiều lĩnh vực; kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri ở các kỳ họp trước…
Một nội dung rất quan trọng trong kỳ họp lần này là Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là hiệp định quan trọng và sẽ có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là các ngành cốt lõi như: nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng…
Việc Quốc hội phê chuẩn CPTPP được xem là nội dung quan trọng vì Việt Nam là đại diện đầu tiên của Đông Nam Á tham gia CPTPP. Hiệp định này ban đầu bắt nguồn từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 nước và đã đi đến thỏa thuận ký kết, song sau đó Hoa Kỳ quyết định rút lui, 11 quốc gia còn lại đã soạn thảo những thỏa thuận mới mang tên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương để thay thế. Văn kiện này chỉ có hiệu lực khi tất cả các nước tham gia phê chuẩn, dự kiến vào đầu năm 2019. Hiện đã có 4 nước: Úc, Mexico, Nhật Bản và Singapore phê chuẩn hiệp định mới.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ với báo giới rằng Quốc hội sẽ dành thời lượng thích hợp để bàn kỹ những tác động tích cực lẫn tiêu cực về CPTPP bởi những tác động của hiệp định rất sâu sắc. Khi CPTPP có hiệu lực thì lập tức thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của các nước thành viên. Bên cạnh những tác động tích cực trong thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thì thách thức không hề ít. Chẳng hạn, nhiều mặt hàng trong nước có sức cạnh tranh còn yếu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, kể cả trên sân nhà bởi hàng hóa từ các nước thành viên CPTPP sẽ tràn vào với giá rẻ. Chỉ riêng với ngành nông nghiệp, cuộc sống của hàng chục triệu nông dân Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng lớn khi nông sản từ 10 quốc gia còn lại tràn vào và cạnh tranh trực tiếp… Đây là những vấn đề cần phải bàn kỹ để có sự chuẩn bị, chủ động phát huy được những tác động tích cực, tìm cách ứng phó với những khó khăn.
Những năm gần đây, các kỳ họp Quốc hội được người dân quan tâm rất nhiều, theo dõi sát sao bởi từ những nút bấm thông qua hay không thông qua của các đại biểu Quốc hội tác động rất lớn đến cuộc sống người dân. Các đại biểu Quốc hội cũng ngày càng thể hiện trách nhiệm trong vai trò đại diện nhân dân, lắng nghe dư luận, lắng nghe đóng góp từ phía người dân ngay cả trong lúc diễn ra kỳ họp. Bằng chứng là những vấn đề nóng bỏng, sát sườn cuộc sống được nêu lên ngày một nhiều hơn trên nghị trường Quốc hội và các đại biểu nhiều lần ấn nút không thông qua đối với những chính sách, dự án luật, nghị quyết… chưa hợp lòng dân, cần thêm thời gian khảo nghiệm, quan sát, nghiên cứu…
Chính vì vậy, từng lần bấm nút của mỗi đại biểu Quốc hội trước những vấn đề hệ trọng của đất nước không chỉ là trách nhiệm cá nhân của đại biểu, mà còn là sự đại diện cho sự tin tưởng và kỳ vọng của người dân.
Vi Lâm