Với số phiếu 99,79%, Quốc hội bỏ phiếu kín theo đúng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với số phiếu 99,79%, Quốc hội bỏ phiếu kín theo đúng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau khi kết quả được công bố, truyền thông Việt Nam và quốc tế nhanh chóng đưa tin sự kiện quan trọng này với hình ảnh Chủ tịch nước mới nghiêm trang đứng dưới cờ Tổ quốc, đặt tay lên Hiến pháp long trọng tuyên thệ, và sau đó với sự chân thành, khiêm cung, ông hứa trước đồng bào và cử tri sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà quốc dân đã giao phó.
Những hình ảnh ấy được truyền hình trực tiếp và ngay lập tức được các cơ quan truyền thông quốc tế hàng đầu thế giới đưa tin, đã truyền cho toàn thể nhân dân Việt Nam một cảm giác phấn chấn, tràn đầy niềm tin và đưa đến bạn bè quốc tế sự phấn khởi. Một tờ báo đã rút tít đó là: “Sự lựa chọn của lịch sử” khi đưa tin về sự kiện quan trọng này. Vì gần nửa thế kỷ đã qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng, nước ta lại có một người làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước qua quyết định mang tính lịch sử của đại đa số đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho 95 triệu người Việt Nam thực thi nguyện vọng này. Trước đó, Bác Hồ từng đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lãnh đạo nhân dân kháng chiến, kiến quốc trong điều kiện đất nước còn chia cắt, có nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hết sức nặng nề.
Sau khi Bác Hồ qua đời, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Đảng Lao động Việt Nam và bác Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Sau này qua từng giai đoạn cách mạng, dù tên gọi có khác nhau nhưng các chức vụ về Đảng và Nhà nước đều do 2 người khác nhau đảm trách được giữ nguyên cho đến nay. Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cách đây gần 20 năm, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước đã được đưa ra lấy ý kiến, tuy nhiên vào thời điểm ấy dư luận và nhiều cán bộ lão thành chưa đồng tình...
Đến nay, thời điểm Tổng Bí thư giữ nhiệm vụ Chủ tịch nước đã chín muồi, phù hợp lòng dân và chúng ta cũng có những kinh nghiệm thực tiễn về việc bí thư các tỉnh, thành phố kiêm chủ tịch HĐND; bí thư quận, bí thư xã phường kiêm chủ tịch quận, chủ tịch xã phường nhưng vẫn có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực. Chính vì thế, việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một sự lựa chọn của lịch sử.
Nói đây là sự lựa chọn của lịch sử, vì thời điểm hiện nay là thời điểm nửa nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, với những dự báo lạc quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm 2018. Riêng đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - người được nhân dân trong nước, các chuyên gia kinh tế, nhà quan sát chính trị và giới truyền thông quốc tế đánh giá là một người liêm khiết, trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có trình độ lý luận, từng trải thực tiễn. Trải qua nhiều cương vị công tác và ở vị trí nào ông cũng thể hiện trách nhiệm, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “tổng tư lệnh” trên mặt trận chống “giặc nội xâm” một cách quyết liệt, nói và làm, làm một cách thận trọng nhưng nhất quyết không khoan nhượng.
Có thể nói, trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ có thời kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm đã bị giáng chức, khởi tố, bắt giam và truy tố trước tòa. Cùng với vị này là hàng loạt các cán bộ cấp cao như từ bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy... bị cách chức, khai trừ Đảng; nhiều tướng lĩnh bị kỷ luật, giáng chức bắt giam vì các tội thiếu trách nhiệm, tham nhũng...Những câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư, trong đó có câu: “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Một khi đã xảy ra tham nhũng, phải nhất thiết xử lý thật nghiêm, không có “vùng cấm”, theo đó là những chỉ đạo quyết liệt hành động và hành động có hiệu quả của ông đã tạo được lòng tin cho nhân dân và các định chế quốc tế trong việc Việt Nam trừng trị tham nhũng và có biện pháp “nhốt” quyền lực.
Cùng với vai trò Tổng Bí thư, nay nhận thêm nhiệm vụ Chủ tịch nước, nhân dân và cộng đồng quốc tế có niềm tin về đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng tập thể lãnh đạo Việt Nam sẽ đưa đất nước tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam tiến lên những nấc thang mới trong phát triển và hội nhập. Một trong những niềm tin quốc tế ấy là bức điện của Tổng thống Nga Putin có đoạn viết: “Kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Việt Nam, chứng tỏ uy tín cao của đồng chí trong những năm công tác trên các cương vị cấp cao của Đảng, Nhà nước; đồng thời ghi nhận công lao của đồng chí trong việc giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố vị thế đối ngoại của Việt Nam”. Còn TS.Nicolas Chapman, chuyên gia về chính trị châu Á thuộc Đại học quốc tế Nhật Bản nhận xét: “Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, cấu trúc chính trị của Việt Nam sẽ trở nên tương thích hơn để hòa nhập với cộng đồng quốc tế”. Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, một người giữ chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước là cách lựa chọn tốt. Cách làm như vậy sẽ càng thúc đẩy công việc thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn.
Cho nên, có thể nói việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn lịch sử Việt Nam. Sự kiện quan trọng này diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức nỗ lực vượt lên chính mình để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII đề ra, càng tạo thêm sức mạnh của niềm tin và động lực để đưa đất nước tăng tốc phát triển, chủ động hội nhập có trách nhiệm vào đời sống chính trị, kinh tế quốc tế.
Nguyên Cách