Báo Đồng Nai điện tử
En

"Giăng bẫy" người nghèo

09:10, 31/10/2018

Đâu đó trong những câu chuyện cuộc sống bình thường, người ta vẫn thường kể những câu chuyện ông A, bà B tự tử hoặc trốn nợ vì trót vay tiền "xã hội đen" không trả được. Bao nhiêu bi kịch cá nhân và gia đình đôi khi chỉ đến từ một khoản nợ chừng vài triệu đồng nhưng nạn nhân trả hoài không dứt nổi.

Đâu đó trong những câu chuyện cuộc sống bình thường, người ta vẫn thường kể những câu chuyện ông A, bà B tự tử hoặc trốn nợ vì trót vay tiền “xã hội đen” không trả được. Bao nhiêu bi kịch cá nhân và gia đình đôi khi chỉ đến từ một khoản nợ chừng vài triệu đồng nhưng nạn nhân trả hoài không dứt nổi. Nợ “xã hội đen” chính là tín dụng “đen” với lãi suất nhiều khi vô lý đến mức không tưởng: 300-400%/năm. Tín dụng “đen” là hình thức cho vay nặng lãi được thực hiện chủ yếu bởi một cá nhân, nhóm cá nhân hoặc có thể là tổ chức trái phép với lãi suất vượt quá mức lãi suất cho vay mà pháp luật Việt Nam quy định; mức lãi suất cho vay Nhà nước quy định đó là không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Ở góc độ này thì hoạt động tín dụng “đen” hiện nay có thể nói là bành trướng rất nhiều khi mức lãi suất đưa ra gấp hàng chục lần so với mức lãi suất quy định.

Một sự thật không thể chối cãi là tín dụng “đen” hiện tại đang nhắm đến người nghèo, bởi người nghèo hoặc những người thu nhập thấp thường là những người có nhu cầu vay tiền “nóng” nhiều hơn nhằm giải quyết những nhu cầu bức bách của cuộc sống. Người nghèo, đặc biệt là người nghèo đô thị, đã và đang là khách hàng chính của tín dụng “đen”: công nhân, người làm thuê, nhân viên các công ty nhỏ… Bẫy tín dụng “đen” ngày nay tinh vi hơn nhiều so với trước, và tràn lan hơn hẳn. Người vay không còn phải “thậm thụt” hỏi han truyền miệng nhau chỗ vay tiền, trái lại đâu đâu cũng có tờ rơi mời gọi vay tiền: trên cột điện, trước cổng nhà, tại các bức tường công cộng… Internet lại càng giúp các đầu mối cho vay “bành trướng” hơn với các điều khoản cam kết rất dễ dàng: không cần thế chấp, giải ngân ngay… Với khoản vay 10 triệu đồng, người vay có thể phải trả mức lãi suất lên đến gần… 300%/năm - trong khi lãi vay tiêu dùng ở các ngân hàng cao nhất cũng chỉ khoảng 13%/năm. Để huy động nguồn tiền cho vay, những mạng lưới tài chính mập mờ còn huy động vốn nhàn rỗi từ những người có tiền để đưa vào hệ thống cho vay lãi suất cao, cũng với lời quảng cáo “đầu tư tiền cho vay để tiền đẻ ra tiền”. Cả 2 hình thức huy động vốn lẫn cho vay lãi suất cao nói trên hiện đều nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật.

Và đằng sau những bi kịch nợ nần của những nạn nhân trót vay tiền từ các nguồn tín dụng “đen”  là cả một hệ thống tài chính “ngầm” rộng lớn biểu hiện qua những tờ rơi, những tấm bảng quảng cáo cho vay sơ sài dán trên cột điện, đèn đường. Câu hỏi đặt ra là với mức lãi suất cao “không tưởng” như thế thì tại sao tín dụng “đen” ngày càng tràn lan mở rộng, người vay vẫn vay, người cho vay vẫn cho vay và cơ quan chức năng chưa có nhiều biện pháp để xử lý mạnh tay hơn trên diện rộng?         

Vi Lâm

Tin xem nhiều