Được mệnh danh là "thủ phủ" ngành nuôi heo cả nước với tổng đàn ở thời gian cao điểm lên đến 2,4 triệu con, tỉnh Đồng Nai được nhiều tập đoàn chăn nuôi đa quốc gia tìm đến đầu tư. Đi cùng với sự phát triển đó là những vấn đề bức bách cần giải quyết, trong đó có ô nhiễm môi trường.
Được mệnh danh là “thủ phủ” ngành nuôi heo cả nước với tổng đàn ở thời gian cao điểm lên đến 2,4 triệu con, tỉnh Đồng Nai được nhiều tập đoàn chăn nuôi đa quốc gia tìm đến đầu tư. Đi cùng với sự phát triển đó là những vấn đề bức bách cần giải quyết, trong đó có ô nhiễm môi trường.
Thực tế, Đồng Nai là một trong những địa phương sớm có quy hoạch chăn nuôi cùng với những quy định nghiêm ngặt về xử lý môi trường trong các dự án chăn nuôi. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, cùng với sự phát triển quá nhanh, quá “nóng” của phong trào nuôi heo gia công cho các tập đoàn đa quốc gia, việc giám sát và quản lý về môi trường thời gian qua có phần lỏng lẻo.
Năm 2018, người nuôi heo chứng kiến giá heo hơi đạt đỉnh và thị trường duy trì mức giá cao suốt một thời gian dài. Rất nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang “lùng” đất để mở trại heo từ Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu đến Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán… Nhiều dự án nuôi heo quy mô lớn mọc lên liên tục. Xuân Lộc, huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, đã nhanh chóng bỏ qua Thống Nhất, trở thành địa phương có số lượng trang trại nuôi heo nhiều nhất tỉnh với 155 trại heo quy mô khá lớn trở lên và có tổng đàn lên đến 340 ngàn con. Đáng buồn thay, Xuân Lộc cũng là địa phương đầu tiên lập “kỷ lục” về số trại nuôi heo bị xử phạt do gây ô nhiễm môi trường với 19 trại nuôi bị xử phạt tổng số tiền 4,2 tỷ đồng; trong đó có những trại heo bị buộc dừng hoạt động vì gây ô nhiễm quá nặng.
Điều này dẫn đến câu hỏi: Khi cấp phép cho các dự án nuôi heo, cơ quan chức năng kiểm soát đến đâu về các cam kết bảo vệ môi trường của chủ dự án?
Trên thực tế, theo quy định tất cả các dự án nuôi heo đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải và nước thải đạt chuẩn trước khi thả đàn, nhưng không hiểu sao tại nhiều địa phương, mãi đến khi dân “kêu cứu” vì ô nhiễm môi trường quá nặng, cơ quan chức năng mới kiểm tra và xử phạt. Rõ ràng ít nhiều đã có sự lỏng lẻo của những cơ quan có trách nhiệm trong việc cấp phép đầu tư, kiểm tra, nghiệm thu, giám sát… đối với các cam kết về bảo vệ môi trường ở các trang trại nuôi heo.
Ở thời điểm hiện tại, tổng đàn heo của tỉnh lên đến hơn 2,4 triệu con, trong khi quy hoạch của tỉnh về nuôi heo đến năm 2020 mới là 2 triệu con. Sự phát triển nóng này khiến lãnh đạo một số địa phương bày tỏ mong muốn tỉnh hạn chế cấp phép đầu tư cho các trang trại lớn trên địa bàn vì nguy cơ ô nhiễm cao.
Vụ việc Công ty TNHH một thành viên Phan Thị Trâm đầu tư trang trại heo nái quy mô 2.400 con trên diện tích gần 14 hécta tại huyện Định Quán mà trong tay không có một mảnh giấy phép (từ giấy phép xây dựng đến chủ trương đầu tư đều không có) gây xôn xao dư luận gần đây càng cho thấy chính quyền phải rất thận trọng, kỹ lưỡng với những dự án có liên quan hoặc có khả năng ảnh hưởng đến môi trường. Không đủ điều kiện thì không cấp phép, đủ điều kiện nhưng xét khả năng gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, đến môi trường… thì cũng cần phải xem xét lại để tránh thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn người dân.
Cân nhắc giữa lợi ích kinh tế của cá nhân - tập thể - cộng đồng trong quá trình phát triển với những hệ lụy, những hậu quả về sau luôn là một bài toán khó cho các cơ quan có thẩm quyền, nhưng với vấn đề quan trọng như bảo vệ môi trường, cần phải mạnh tay hơn trong quản lý và cấp phép.
Kim Ngân