Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng tạo thêm áp lực cho giáo viên

10:10, 08/10/2018

Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xem là một nghề đặc biệt cao quý. Xã hội dành cho nghề giáo sự trân trọng và tất nhiên, thầy cô giáo là biểu tượng của sự chuẩn mực về đạo đức, cư xử…

Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xem là một nghề đặc biệt cao quý. Xã hội dành cho nghề giáo sự trân trọng và tất nhiên, thầy cô giáo là biểu tượng của sự chuẩn mực về đạo đức, cư xử…

Thế nhưng gần đây, biểu tượng của sự chuẩn mực ấy ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những vụ việc đau lòng, khiến xã hội bàng hoàng, phẫn nộ. Nơi này giáo viên đánh học sinh bằng roi vọt; nơi kia giáo viên phạt học trò bằng cách bắt uống nước giặt giẻ lau bảng; có giáo viên mấy tháng không giảng bài cho học sinh. Việc chửi bới, xúc phạm học sinh lẫn phụ huynh học sinh cũng thường xảy ra...

Giải thích về lối hành xử của mình, phần lớn giáo viên cho rằng do áp lực công việc, học sinh hỗn hào, phụ huynh không chia sẻ, bênh vực con thái quá… dẫn đến mất bình tĩnh, thiếu kiểm soát lời nói, hành vi. Đây là những lý do có thể thông cảm nhưng rất khó biện hộ, bởi như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp Quốc hội mới đây, mặc dù những thầy cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã làm hình ảnh, uy tín của người thầy giảm sút. 

Có lẽ vì thế, để giữ uy tín, hình ảnh người thầy, Bộ GD-ĐT đã đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo dự thảo này, nhiều mức phạt hành chính đã được đưa ra liên quan đến việc học thêm, chửi mắng học sinh, viết thuê luận án, xâm phạm thân thể giáo viên, học sinh. Đặc biệt, trong đó có xử phạt người đứng trên bục giảng khi xúc phạm nhân phẩm học sinh, học viên với mức phạt hành chính cao nhất lên đến 30 triệu đồng.

Đã và đang có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh dự thảo này. Người đồng tình thì cho rằng nghị định này là cần thiết, có tác dụng răn đe đối với giáo viên, nhất là ngăn chặn tình trạng giáo viên xúc phạm, chửi mắng, đánh đập học sinh. “Đánh” vào kinh tế, ắt giáo viên sẽ... sợ mà kiểm soát tốt hơn hành vi của mình, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc gây phẫn nộ xã hội.

Ý kiến không đồng tình lại băn khoăn e ngại nghị định này nếu ra đời sẽ càng trói buộc giáo viên, bởi giáo viên hiện đã chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ công việc đến đồng lương, rồi việc làm sao đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa thầy và trò, giữa người thầy và phụ huynh, rồi thành tích  của trường, lớp... Trong khi đó, giáo viên cũng là những con người bình thường, cũng có lúc cáu giận. Phụ huynh và học sinh nếu không có cái nhìn chia sẻ, thông cảm sẽ xem đây là “bình phong” để từ việc bé xé ra to, dễ dàng hạ thấp uy tín, danh dự giáo viên. Ngành giáo dục chỉ nên có những quy định thuộc về quy tắc ứng xử để từ đó thực hiện chứ không nên luật hóa bằng mức xử phạt hành chính quá cao như dự thảo đã đề ra.

Tất nhiên, từ dự thảo đến việc ban hành chính thức sẽ còn có những góp ý, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Song dù là quy định nào thì yêu cầu vẫn phải đảm bảo được quyền lợi, uy tín của người thầy, nhất là không làm cho nhà giáo cảm thấy quá nặng nề, áp lực để tập trung tốt nhất cho sự nghiệp trồng người.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều