Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần cảnh báo sự nguy hiểm của hiện tượng "nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà bệnh lười học nghị quyết của Đảng là một nguyên nhân gây nên hiện tượng này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần cảnh báo sự nguy hiểm của hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà bệnh lười học nghị quyết của Đảng là một nguyên nhân gây nên hiện tượng này.
Trên thực tế, trong thang điểm của các tổ chức cơ sở Đảng tự chấm xếp loại hằng năm, tỷ lệ cán bộ, đảng viên học nghị quyết thường cao chót vót, trên 90%. Thậm chí, nhiều tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên tự nhận mức điểm cao nhất trong nội dung này để “kéo” điểm cho những nội dung khác. Tuy nhiên, việc triển khai quán triệt, học tập nghị quyết lại không phải lúc nào, ở đâu cũng được thực hiện nghiêm túc, bài bản.
Dễ thấy nhất trong căn “bệnh” lười học nghị quyết chính là thái độ của người học. Không ít buổi học nghị quyết do Trung ương tổ chức bằng hình thức trực tuyến toàn quốc, đầu buổi rất đông, đầy đủ nhưng qua giờ giải lao, hội trường nhiều địa phương chỉ còn thưa thớt ít người. Có những buổi học nghị quyết mà ở trên báo cáo viên nói cứ nói, ở dưới cán bộ, đảng viên tranh thủ làm việc riêng, phổ biến nhất là dùng điện thoại xem tin tức, chơi game..., hay xử lý công việc khác không liên quan đến nội dung nghị quyết đang được triển khai.
Đó là chưa kể tình trạng cán bộ, đảng viên đi học nghị quyết cho có, không ghi chép chứ đừng nói đến chuyện nghiên cứu thêm tài liệu, sách báo. Nếu phải làm bài thu hoạch, giải pháp thường thấy là lấy trên internet hoặc mượn bài tương tự ở những đơn vị khác chép rồi nộp. Cá biệt, có đảng viên giữ chức vụ còn ngại viết tay, nhờ cấp dưới viết hộ rồi ung dung nộp bài mà không nghĩ rằng điều đó là không nên, không được, rất cấm kỵ. Bởi đây là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Lười học nghị quyết dẫn tới tình trạng cán bộ, đảng viên không cập nhật được thông tin mới, rơi vào “thấp kém lý luận” và từ đó dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn.
Có giải pháp nào để ngăn chặn căn bệnh lười học nghị quyết hay không? Câu trả lời là có, nhưng khó nhất vẫn là quyết tâm thực hiện của các tổ chức cơ sở Đảng, bởi vẫn còn tâm lý nể nang, dễ dàng cho qua khi điểm danh cán bộ, đảng viên tham gia học tập nghị quyết. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này rất dễ lây lan, ngay cả đối với những cán bộ, đảng viên nghiêm túc, chăm chỉ nhất trong học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng.
Dễ dãi sẽ càng làm cho “bệnh” lười học nghị quyết nặng thêm, kéo theo số lượng đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gia tăng, nghị quyết không đi vào cuộc sống. Trên thực tế, đã có những cán bộ, đảng viên nói và làm trái với nghị quyết của Đảng. Những cán bộ, đảng viên này rất dễ rơi vào những cái bẫy của các thế lực thù địch mà không hề hay biết. Cũng chính vì lười học nghị quyết, tiếng nói của cán bộ, đảng viên trở nên yếu ớt, không phản kháng được những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch. Tính chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng từ đó cũng bị suy yếu đi ít nhiều.
“Thuốc” chữa “bệnh” lười học nghị quyết đã có, xong thực hiện được hay không còn phụ thuộc rất lớn vào thái độ của mỗi cán bộ, đảng viên và quyết tâm của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng.
Nguyễn Phượng