Với mức tăng trưởng 11-12%/năm, ngành thương mại dịch vụ Đồng Nai nhiều năm qua vẫn được đánh giá là tăng trưởng chưa xứng với tiềm năng, đặc biệt khi so sánh với mức tăng trưởng của xuất nhập khẩu và một số ngành nghề khác.
Với mức tăng trưởng 11-12%/năm, ngành thương mại dịch vụ Đồng Nai nhiều năm qua vẫn được đánh giá là tăng trưởng chưa xứng với tiềm năng, đặc biệt khi so sánh với mức tăng trưởng của xuất nhập khẩu và một số ngành nghề khác.
Nhìn một cách khách quan, các thành phố, thị xã, thị trấn của Đồng Nai, sức bật của ngành này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. để sử dụng các loại dịch vụ ở tầm trung và cao cấp, từ dịch vụ khách sạn đến ẩm thực, mua sắm… thì người dân Biên Hòa vẫn phải đến TP.Hồ Chí Minh mới “có chỗ xài tiền”. Vậy nên bất cứ sự “chuyển mình” nào của ngành này cũng đều được đón nhận khá tốt: một khách sạn cao cấp 5 sao, một siêu thị mới, một tòa nhà thương mại, một thương hiệu đồ ăn - thức uống nổi tiếng… Do đó, khi nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống cao cấp được mở ra theo xu hướng “nhượng quyền thương hiệu” (franchise), có thể thấy một “làn gió mới” khá sôi động đã diễn ra trong ngành.
Nhượng quyền thương hiệu là hình thức kinh doanh mà một cá nhân hoặc một tổ chức nào đó được sử dụng thương hiệu/tên của sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định để kinh doanh trong một thời gian nhất định với một ràng buộc tài chính nhất định, có thể là một khoản chi phí hoặc là chia theo phần trăm doanh thu, lợi nhuận của cửa hàng. Đây là một trong những hình thức có thể giúp mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng với chi phí và rủi ro thấp nhất. Chi phí để mở một cửa hàng mới hoàn toàn rất lớn, nhưng nếu quyết định nhượng quyền thì chi phí này sẽ được san sẻ giữa 2 bên.
Thông qua trào lưu này, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước của ngành ẩm thực và đồ uống đã nhanh chóng có mặt tại Biên Hòa như: Highlands Coffee, Coffee House,
Gong Cha, Ten Ren, Too Cha, Gogi House, Z! Café, Five Star, Kichi Kichi, Thiên Quế… và nhiều thương hiệu đã mở hàng chục điểm bán tại nhiều nơi. Thực tế với sự lan rộng này, rõ ràng người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, cũng đồng nghĩa với việc ở một góc độ nào đó, trào lưu này đóng góp khá đáng kể cho sự phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương.
Nhìn xa hơn, sự có mặt của trào lưu franchise cho thấy các nhãn hàng lớn đã có một đánh giá cao hơn về mức độ phát triển tiêu dùng tại Đồng Nai, đi kèm với đó là đánh giá tốt về thu nhập đầu người, khả năng chi trả, hướng phát triển của thị trường… Không phải dễ dàng để một thương hiệu nổi tiếng chọn một thành phố để phát triển mở rộng, mà đa số đều phải dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng về kinh tế - xã hội của nơi đó. Vậy nên một địa phương càng tập trung nhiều thương hiệu lớn, chứng tỏ sự phát triển kinh tế và tiêu dùng càng cao.
Khuyến khích những làn sóng mới trong thương mại - dịch vụ - tiêu dùng cũng gắn với một môi trường kinh doanh cởi mở, bình đẳng và minh bạch, do đó sự bùng nổ trào lưu franchise tại Đồng Nai thời gian gần đây có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ dừng lại ở một trào lưu kinh doanh thông thường. Vấn đề còn lại là cần kiểm soát chất lượng, sự an toàn của sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng trên nền tảng bảo vệ những người kinh doanh chân chính. Có như vậy, ngành thương mại dịch vụ nói riêng tại Đồng Nai mới phát triển tốt và xứng với tiềm năng hơn nữa.
Vi Lâm