Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường đồng thuận xã hội

09:09, 09/09/2018

Cuối năm 2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành 2 quyết định quan trọng nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân là Quyết định số 217, 218 về  quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Cuối năm 2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành 2 quyết định quan trọng nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân là Quyết định số 217, 218 về  quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trong đó, với việc ban hành quy chế giám sát, phản biện xã hội, Bộ Chính trị đặt nhiều kỳ vọng vào việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân thể hiện được tiếng nói của mình với các vấn đề của đất nước nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Thực tế quá trình thực hiện quyết định này đã cho thấy những kết quả đáng mừng, trong đó nổi bật nhất vẫn là việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân ở nhiều địa phương đã có sự chủ động trong việc giám sát, phản biện các dự thảo nghị quyết hay một số vấn đề được người dân quan tâm. Sau giám sát, phản biện đã có những vấn đề, nội dung mà MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân kiến nghị được ghi nhận, điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam, việc giám sát và phản biện xã hội có lúc có nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, không ít địa phương chưa xem trọng tiếng nói phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.

Một cán bộ Mặt trận của Đồng Nai từng tâm sự rằng, việc giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân chỉ mang tính góp ý, không mang tính quyền lực buộc phải thực thi như một số đơn vị chức năng khác nên không phải lúc nào, ở đâu những góp ý này cũng được ghi nhận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân chưa mặn mà lắm với công tác này. Vì vậy, chỉ khi có sự nhận thức đúng đắn về vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội thì khi đó chất lượng, hiệu quả của công tác này mới được nâng cao.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân thụ động, ngồi yên một chỗ chờ đợi, ngược lại, hơn lúc nào hết vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân phải được phát huy để thể hiện được tiếng nói của mình, nhất là với những vấn đề mà xã hội, người dân quan tâm. Với sự chủ động này, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân ở huyện Trảng Bom đã giám sát và phản biện nhiều vấn đề nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân.

Mới đây nhất, Tỉnh ủy đã giao cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây sẽ là một nhiệm vụ quan trọng nữa được giao cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân để kịp thời phát hiện, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của cán bộ, đảng viên từ khi còn manh nha để uốn nắn, chấn chỉnh...

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều