Ai rồi cũng sẽ phải già. Đó là quy luật không ai có thể cưỡng lại được. Để vui sống, nhất là với những người già, cần nhất vẫn là tình yêu thương và sự quan tâm, động viên từ những người thân yêu và xã hội.
Ai rồi cũng sẽ phải già. Đó là quy luật không ai có thể cưỡng lại được. Để vui sống, nhất là với những người già, cần nhất vẫn là tình yêu thương và sự quan tâm, động viên từ những người thân yêu và xã hội.
Không hiếm người cao tuổi không xem tuổi tác là vấn đề đối với bản thân khi có một lịch trình rất khoa học: đều đặn tập thể dục, đọc báo, phụ giúp con cháu việc nhà, tham gia công việc ở cơ sở hay gặp gỡ bạn hữu, dự các câu lạc bộ ở địa phương... Nhờ biết sắp xếp và đặc biệt là nhận được sự quan tâm của người thân trong gia đình, người cao tuổi được tham gia vào các hoạt động cộng đồng mà mình yêu thích, thoải mái hưởng thụ tuổi già, quên đi bệnh tật hay những muộn phiền về tuổi tác.
Tất nhiên, để người cao tuổi được hưởng quyền của mình một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất, gia đình và cộng đồng phải nắm bắt được tâm lý và hỗ trợ tối đa cho người cao tuổi. Bởi, tính khí người già có những thay đổi, nếu không tâm lý sẽ rất khó để “chiều” chứ chưa nói đến việc đáp ứng các nguyện vọng của họ. Chỉ có sự gần gũi, yêu thương và đồng cảm mới có khả năng giúp người cao tuổi nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Đã có không ít tấm gương người cao tuổi vẫn ngày ngày miệt mài với các hoạt động vì xã hội, cộng đồng. Với họ, còn sống là còn cống hiến, còn làm việc là còn thấy mình khỏe mạnh, có ích. Họ sẵn sàng làm cầu nối hòa giải cho các vụ tranh chấp, mất đoàn kết hay cãi vã ở xóm ấp; tình nguyện hiến đất làm đường hay các công trình phúc lợi. Người cao tuổi còn đi đầu trong các phong trào thiện nguyện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh không may mắn… Đặc biệt, họ là những tấm gương cho con cháu học tập, noi theo.
Thế nhưng, không phải tất cả người cao tuổi đều có cuộc sống vui vẻ, thoải mái. Một bộ phận người cao tuổi không may mắn mất đi nơi nương tựa lúc tuổi cao sức yếu, không nhà, không của để dành, đành sống dựa vào sự cưu mang của các cơ sở thiện nguyện hay những mạnh thường quân giàu lòng nhân ái. Mong muốn của họ chỉ đơn giản là có được một chỗ dung thân, cơm ăn, nước uống hằng ngày, thuốc thang khi bệnh tật và khi qua đời có nơi chôn cất... Họ đang cần hơn sự chung tay quan tâm của cả xã hội để tuổi già bớt đi những cơ cực.
Kỷ niệm lần thứ 28 Ngày quốc tế Người cao tuổi năm nay được Liên hợp quốc chọn chủ đề “Tôn vinh những người cao tuổi có công lớn trong đấu tranh bảo vệ quyền con người”. Điều này nhằm thúc đẩy các quyền được ghi trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, trong đó có người cao tuổi.
Hiến pháp Việt Nam được sửa đổi vào năm 2013, tại Khoản 3 Điều 37 quy định: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và tại Điểm 2, Điều 59 nêu: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, chính sách trợ giúp người cao tuổi”.
Quyền của người cao tuổi đã được quy định rất rõ và các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang rất nỗ lực để người cao tuổi được chăm lo, thực hiện tốt nhất quyền của mình.
Minh Ngọc