Thật xót xa trước hình ảnh những học sinh tiểu học, THCS đến trường từ rất sớm, lúc 5 giờ sáng, mà lý do chỉ vì phải theo chân cha mẹ trên đường đi làm.
Thật xót xa trước hình ảnh những học sinh tiểu học, THCS đến trường từ rất sớm, lúc 5 giờ sáng, mà lý do chỉ vì phải theo chân cha mẹ trên đường đi làm. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, các em đứng lẻ loi trước cổng trường hoặc tụ lại gần nhau thành nhóm nhỏ cho vơi nỗi sợ hãi, trệu trạo nuốt bữa ăn sáng khi cơn buồn ngủ vẫn chưa tan. Gặp bữa trời mưa, các em trùm chiếc áo mưa ny-lông co ro nép vào mái hiên... Con đường đến trường sao mà vất vả.
Ở các nước tiên tiến trên thế giới, các trường phổ thông ngày càng thiên về xu hướng bắt đầu giờ học trễ. Như ở Nga, giờ học buổi sáng bắt đầu từ 9 giờ, nghĩa là học sinh hoàn toàn có thể “ngủ nướng” đến 8 giờ hoặc 8 giờ 30; đó là chưa kể nước Nga hiện nay áp dụng “giờ mùa đông” là tính giờ lùi lại 1 tiếng, 9 giờ ở Nga tương đương với 10 giờ ở Việt Nam. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng nếu thức dậy quá sớm và ngủ không đủ giấc, cơ thể con người sẽ mệt mỏi, uể oải, mắt trĩu nặng còn các cơ thì bị cứng dẫn đến ngại hoạt động, về mặt sinh học sẽ làm nhiễu loạn trạng thái trao đổi chất đồng thời dẫn đến các vấn đề về tinh thần, từ đó làm giảm khả năng tư duy và sự tiếp thu. Với trẻ em từ độ tuổi 8-10 nên bắt đầu giờ học sau 8 giờ 30; học sinh từ 16-18 tuổi thì trễ hơn nữa, từ sau 10 giờ việc học tập, tiếp thu kiến thức sẽ tốt hơn. Trong khi đó, hầu như tất cả các trường học trong tỉnh đều bắt đầu tiết học từ 7 giờ, ngay cả các trường mầm non, mẫu giáo giờ nhận trẻ cũng kết thúc lúc 7 giờ 30. Và cá biệt là những học sinh theo guồng mưu sinh của cha mẹ đến trường từ 5 giờ.
Bỏ qua vấn đề về sức khỏe, tâm sinh lý thì trong việc học sinh “buộc” đến trường quá sớm nói trên tuy nhìn vào thấy rất nhỏ nhặt nhưng liên quan đến nhiều vấn đề xã hội: hệ thống phương tiện đưa đón học sinh hằng ngày, nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn khi các em “đơn thân độc mã” trước cổng trường vắng vẻ… Trong thực tế, cho đến nay vì nhiều lý do việc tổ chức phương tiện đưa đón học sinh vẫn còn bó hẹp ở số ít trường, chưa thể mở rộng nên cảnh phụ huynh tất bật xuôi ngược đưa đón con đi học vẫn diễn ra rất phổ biến. Một trong những nguyên nhân chính là hệ thống giao thông công cộng còn chưa thuận tiện, chưa tạo điều kiện cho riêng đối tượng học sinh. Nhiều trường cũng chưa chủ động trong việc tổ chức phương tiện đưa đón học sinh do ngại tăng thêm trách nhiệm, nên gánh nặng đưa đón con đến trường gần như đổ hết lên phụ huynh trong khi không phải ai cũng có điều kiện đưa đón con đúng giờ giấc.
Một thực tế nữa cần nhìn nhận, đó là xã hội ngày nay chưa thật sự an toàn cho trẻ em. Khi để con đứng một mình nơi cổng trường vắng là cha mẹ gần như “đánh cuộc” với may rủi trước những nguy hiểm như trấn lột, cướp giật, thậm chí là tệ nạn ma túy, lạm dụng tình dục hay bắt cóc. Việc “trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình trong trường hợp gặp phải sự cố” như lời của người đứng đầu ngành GD-ĐT TP.Biên Hòa về tình trạng học sinh phải đến trường sớm là điều tất nhiên, nhưng vì sao xã hội, cộng đồng chưa chung tay tạo điều kiện tốt nhất để con đường đến trường của các em được thuận lợi, an toàn? Có quá khó không khi tổ chức hệ thống phương tiện đưa đón học sinh để các em thêm giấc ngủ ngon, bình an đến trường?
“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ biết học hành là ngoan”. Đừng để các em tự đương đầu, đối phó với những điều lẽ ra thuộc trách nhiệm của người lớn.
Hà Lam