Có lẽ chưa bao giờ người nông dân bị đặt vào một áp lực lớn đến thế, xét trên phương diện nghề nghiệp của mình. Hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng và lần đầu tiên đòi hỏi người nông dân phải thay đổi, phải chuyển mình, không chỉ dừng ở yêu cầu thuần túy là nuôi - trồng như trước nữa, mà buộc phải đảm nhiệm nhiều vai trò, bao gồm cả sản xuất lẫn bán hàng.
Có lẽ chưa bao giờ người nông dân bị đặt vào một áp lực lớn đến thế, xét trên phương diện nghề nghiệp của mình. Hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng và lần đầu tiên đòi hỏi người nông dân phải thay đổi, phải chuyển mình, không chỉ dừng ở yêu cầu thuần túy là nuôi - trồng như trước nữa, mà buộc phải đảm nhiệm nhiều vai trò, bao gồm cả sản xuất lẫn bán hàng.
Do hội nhập, nông sản của nông dân ngày nay không chỉ bán ở chợ làng, trái lại đã đi khắp năm châu theo các đơn hàng xuất khẩu lớn. Nông sản địa phương phải cạnh tranh gay gắt với nông sản ngoại nhập ngay tại chợ truyền thống trong vùng. Đó là hình ảnh tiêu biểu dễ thấy nhất, dễ cảm nhận nhất về những đổi thay của thời đại, khiến vị trí, vai trò của nông dân đổi khác rất lớn. Chưa kể, cách canh tác, chăn nuôi cũng không còn như xưa nữa mà buộc phải đổi mới, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ cao, tiên tiến nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường: chất lượng sản phẩm, độ sạch, hình thức sản phẩm, thậm chí tính đạo đức của nông sản cũng được đặt ra: sản phẩm có gây hại cho con người và môi trường hay không, quá trình nuôi trồng có đáp ứng các tiêu chí đạo đức cơ bản đối với vật nuôi và hệ sinh thái xung quanh hay không...
Lấy ví dụ đơn giản, một nông dân trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu đi Nhật Bản sẽ phải tìm hiểu cặn kẽ từng chút về nhu cầu, khẩu vị, hệ thống đánh giá chất lượng, bảo quản, quy trình vận chuyển… để trái thanh long vẫn tươi ngon khi đến tận tay người tiêu dùng.
Tất cả những điều này buộc mỗi nông dân phải thay đổi tư duy tận gốc, không phải chỉ thay đổi ở một nhóm nông dân nào đó mà là thay đổi trên hàng chục triệu nông dân, bởi nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà Chính phủ hướng tới đòi hỏi sự hợp tác của từng người một, đặc biệt khi mục tiêu nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam ngày một trở nên cần thiết và bức bách hơn.
Trong bối cảnh đó, nông dân Việt Nam nhìn chung vẫn đang đối mặt với hàng loạt khó khăn cả mới lẫn cũ: ít vốn, tư duy nhỏ hẹp, kiến thức ít được cập nhật, sự cạnh tranh khốc liệt của nông sản ngoại nhập giá rẻ, thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, thông tin thị trường chưa kịp thời, đầu ra lúng túng… Và không ai khác, chính Hội Nông dân Việt Nam - mái nhà chung của hàng chục triệu nông dân Việt Nam, phải là cầu nối, là chỗ dựa cho nông dân dần dần vượt qua những khó khăn này. Hơn thế nữa, Hội phải là nơi mà nông dân cất lên tiếng nói của chính mình, phản ánh những tác động của chính sách, đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn, cung cấp và chia sẻ thông tin để cùng nhau phát triển.
Trên thực tế, Hội Nông dân cũng đã có rất nhiều nỗ lực nhằm hoàn thành vai trò cầu nối của mình. Tại Đồng Nai, Hội Nông dân Đồng Nai đã qua 8 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội gắn với một giai đoạn phát triển của đất nước, của địa phương, từ những ngày còn chiến tranh đến khi đất nước hòa bình, đến những giai đoạn đầu của hội nhập, thu hút đầu tư... Riêng với Đồng Nai năm 2018, Đại hội lần thứ IX sẽ đánh dấu một thời kỳ mới của nông dân: thời kỳ nông nghiệp bị ảnh hưởng sâu rộng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Cuộc cách mạng này với những thay đổi sâu sắc đến công nghệ, kỹ thuật... được cho là sẽ tác động rất lớn đến nông dân. Chính vì vậy, vai trò của Hội càng trở nên cần thiết và quan trọng bởi thông qua đó, Chính phủ lẫn chính quyền địa phương có thể lắng nghe tiếng nói của nông dân để có những quyết sách kịp thời, những chính sách “sát sườn” thực tế. Muốn vậy, Hội cần có những đổi thay mạnh mẽ về cách thức hoạt động, cách tiếp cận nông dân để thông qua đó, tiếng nói nông dân được chuyển tải một cách kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.
Vi Lâm