Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần ủng hộ nông sản sạch

09:09, 10/09/2018

Cho đến lúc này, để được cấp chứng nhận nông sản hữu cơ, nông dân hoặc doanh nghiệp phải thuê một đơn vị chuyên ngành rành rẽ về thủ tục chuẩn bị toàn bộ hồ sơ, tài liệu, các mẫu kiểm nghiệm… gửi đến cơ quan hữu quan tại Úc, Hoa Kỳ hoặc châu Âu.

Cho đến lúc này, để được cấp chứng nhận nông sản hữu cơ, nông dân hoặc doanh nghiệp phải thuê một đơn vị chuyên ngành rành rẽ về thủ tục chuẩn bị toàn bộ hồ sơ, tài liệu, các mẫu kiểm nghiệm… gửi đến cơ quan hữu quan tại Úc, Hoa Kỳ hoặc châu Âu. Sau khi xét nghiệm mẫu đất/nước/giống... tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành cho kết quả đạt chuẩn thì mới gieo trồng. Khi có sản phẩm, lại phải tiếp tục gửi mẫu đi xét nghiệm và tuân thủ một số quy trình khác đến khi đạt chuẩn hữu cơ, sản phẩm mới được cấp phép. Sở dĩ nhiêu khê đến thế là bởi Việt Nam lâu nay chưa có bộ tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ riêng, do đó doanh nghiệp hay nông dân muốn dán nhãn hữu cơ lên sản phẩm thì buộc phải sử dụng một bộ tiêu chuẩn hữu cơ tại các quốc gia đã có. Đầu năm 2018, Việt Nam đã ban hành bộ tiêu chuẩn này với hàng trăm tiêu chí dựa trên nền tảng các bộ tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu, song hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xin cấp chứng nhận này.

Tương tự, người tiêu dùng cũng đã “quen tai” với tiêu chuẩn VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) dành cho các loại nông sản. Cụm từ này có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ  tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất. Tương tự, ngoài VietGAP còn có bộ tiêu chuẩn GlobalGAP với các tiêu chí khắt khe hơn.

Không chỉ các sản phẩm trồng trọt, đối với sản xuất sạch còn có các tiêu chuẩn sản xuất an toàn riêng cho thủy sản, heo, gà… mà để nhận được các chứng chỉ này, nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ khâu giống đến khâu thu hoạch, bảo quản. Chưa kể tùy theo loại chứng chỉ, cứ 1-2 năm lại phải tái đăng ký xin cấp lại một lần, tốn kém thời gian và chi phí.

Như vậy, giá thành sản xuất của một sản phẩm có chứng nhận organic (hữu cơ) hay VietGAP, GlobalGAP dĩ nhiên sẽ cao hơn các sản phẩm canh tác và chăn nuôi thông thường. Song nghịch lý là những sản phẩm này hầu hết hiện nay đều phải “chung sàn” với các loại nông sản không tuân thủ bất kỳ tiêu chuẩn nào. Những bất cập về hệ thống phân phối và đầu ra khiến rau hữu cơ sản xuất theo tiêu chí ngặt nghèo cũng bị thương lái đánh giá không khác gì so với rau sản xuất bình thường. Trừ những nông dân hay doanh nghiệp tìm kiếm được các đơn hàng thường xuyên hoặc cao hơn là tự tổ chức hệ thống phân phối bán lẻ, còn lại đa số nông sản sạch vẫn đang bán với giá bằng với nông sản bình thường. Chính điều này làm nản lòng những người nông dân tâm huyết khi bỏ bao công sức và chi phí để làm nên sản phẩm sạch, song lại không nhận được đồng lãi cao hơn cũng như không được người tiêu dùng đánh giá cao hơn.

 Chính vì vậy, để ủng hộ nông dân làm nông sản sạch, không có con đường nào khác ngoài việc tìm cách giải quyết đầu ra. Nhà nước có thể tạo điều kiện để khuyến khích nông dân làm nông sản sạch trên diện rộng thông qua các chuỗi liên kết, các chính sách hỗ trợ vốn/kỹ thuật… cho những người muốn làm và trên hết cần có sự phân biệt rạch ròi giữa những loại nông sản đã được chứng nhận là sạch để người tiêu dùng dễ nhận diện và chọn lựa.

Ngoài ra, có thể nói quan trọng nhất là nhận thức và sự ủng hộ của người tiêu dùng. Một khi người tiêu dùng chấp nhận trả một cái giá hợp lý hơn và ủng hộ hết lòng cho nông sản sạch, nông dân sẽ có động lực để nhân rộng những mô hình tiêu chuẩn thay vì tư duy cào bằng như hiện tại.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều