Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính sao vẹn cả đôi đường

09:08, 20/08/2018

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được xây dựng từ năm 1963 trên diện tích gần 324 hécta và được coi là một "di tích lịch sử" trong phát triển công nghiệp của Đồng Nai.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được xây dựng từ năm 1963 trên diện tích gần 324 hécta và được coi là một “di tích lịch sử” trong phát triển công nghiệp của Đồng Nai. Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong những ngày đầu phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, song đến nay Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã bộc lộ những bất cập lớn gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như các khu vực dân cư xung quanh.


Chính vì vậy, ngay từ năm 2009, UBND tỉnh đã xin chủ trương của Chính phủ về việc di dời toàn bộ doanh nghiệp đang sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đi nơi khác, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động, đồng thời sử dụng hiệu quả quỹ đất dư ra sau khi di dời. Chính phủ đã đồng ý chủ trương này và Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) được giao thiết kế đề án di dời này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án, nhiều chính sách, pháp luật thay đổi dẫn đến đề án phải chỉnh sửa nhiều lần.

Mới đây nhất, để đẩy nhanh tiến độ dự án lớn này, theo Sở Kế hoạch - đầu tư, hiện đã có 3 phương án chuyển đổi được đưa ra để chọn lựa. Phương án 1 là sẽ đấu giá quyền sử dụng đất và thông qua đó, tỉnh có nguồn vốn lớn để tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nhằm có đất sạch đấu giá. Phương án 2 là thực hiện đấu thầu dự án để chọn nhà đầu tư và phương án 3 là xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao thẳng dự án cho Sonadezi.

Được biết, đến thời điểm này, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã có quy hoạch 1/2.000 và đang tiến hành làm quy hoạch 1/500. Hiện tại, UBND tỉnh vẫn chưa quyết phương án nào sẽ được chọn để thực hiện, song qua nhiều cuộc họp bàn, có vẻ phương án 1 “được lòng” các sở, ngành chuyên môn nhiều nhất, cũng có nghĩa là có tính khả thi cao nhất dựa trên tình hình thực tế của Đồng Nai. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, phương án 1 có thể giúp đẩy nhanh được tiến độ dự án do là Nhà nước thu hồi đất, sau đó tiến hành đấu giá thì khả năng sẽ chọn được nhà đầu tư thích hợp cho từng dự án thành phần. Tuy nhiên, nếu chọn phương án 1, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư, tỉnh sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn ngân sách khá lớn để tiến hành di dời doanh nghiệp, chi trả bồi thường tái định cư để có nguồn đất sạch cho đấu giá.

Có 2 đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là doanh nghiệp và người lao động. Hiện có 82 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với tổng cộng khoảng 11 ngàn lao động dự tính sẽ nghỉ việc khi khu công nghiệp này phải di dời. Do đó, chọn phương án nào cũng sẽ phải tính toán đến 2 đối tượng này, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp về công tác di dời ra sao, hỗ trợ tìm việc làm cho 11 ngàn lao động tại các khu công nghiệp lân cận như thế nào… là điều cần phải quan tâm sớm, thậm chí ngay trước khi dự án tiến hành. Về phía doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp cho biết sẵn sàng chấp nhận chủ trương di dời của tỉnh, song phải biết rõ mức hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ cho lao động nghỉ việc, nơi đến, giá thuê đất để tính toán việc đầu tư mới, tuyển dụng thêm lao động... và cho đến nay những chính sách này chưa “chốt”, chưa công bố dứt điểm, do đó cần sớm được ban hành.

Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng Đồng Nai đang có những bước “trở mình” lớn với những dự án quy mô vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, việc bố trí nguồn lực địa phương để đảm bảo tiến độ và chất lượng là một lẽ, quan tâm sâu sắc và có những chính sách phù hợp, thấu đáo đến mọi đối tượng trong vùng tác động của các dự án hạ tầng cũng là điều vô cùng quan trọng.

 Vi Lâm

Tin xem nhiều