Cách đây mấy năm, tôi may mắn được tham dự buổi ra mắt tập thơ Xe lăn khát vọng của Đinh Thị Hoàng Loan, một cô gái bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng luôn yêu đời, yêu thơ ở Văn miếu Trấn Biên.
Cách đây mấy năm, tôi may mắn được tham dự buổi ra mắt tập thơ Xe lăn khát vọng của Đinh Thị Hoàng Loan, một cô gái bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng luôn yêu đời, yêu thơ ở Văn miếu Trấn Biên.
Buổi giới thiệu tập thơ diễn ra trong không khí ấm cúng, xúc động. Đến chung vui không chỉ có các đồng chí lãnh đạo tỉnh mà còn có gia đình, người yêu thơ và đặc biệt là bạn bè đồng cảnh ngộ của Hoàng Loan. Những vần thơ tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống của cô gái bé nhỏ Hoàng Loan có sức lay động mạnh mẽ đến mọi người, tạo sự lan tỏa đến những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trong và ngoài tỉnh.
Nhờ thơ Đinh Thị Hoàng Loan có thêm nhiều bạn bè, nhận được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội. Gia đình mà đặc biệt là người mẹ luôn ở bên động viên, giúp đỡ đã tiếp thêm cho cô nghị lực sống và giữ được tình yêu đối với niềm đam mê của mình. Hoàng Loan đã trở thành một trong những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin được nhiều người biết đến, nêu gương vì đã biết vượt qua nghịch cảnh để lạc quan sống và cống hiến.
Không chỉ có Hoàng Loan, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên mảnh đất hình chữ S này đã và đang ngày ngày cố gắng, nỗ lực để trở thành người có ích. Dù sinh ra và lớn lên với cơ thể không bình thường, gia cảnh khó khăn nhưng nhờ sự tiếp sức của toàn xã hội, nhiều người đã kiếm được việc làm, tự nuôi sống mình để không trở thành gánh nặng cho người thân.
Thế nhưng, không phải ai cũng có được may mắn như vậy. Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Đồng Nai hiện có gần 14 ngàn người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 9 ngàn nạn nhân bị các căn bệnh quái ác, bệnh hiểm nghèo, dị dạng truyền từ đời cha mẹ sang con, cháu. Nhiều gia đình sống trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn vì có đến 3-4 đứa con không lành lặn cả về mặt thể xác lẫn tâm hồn. Có chứng kiến việc mẹ cha già yếu phải vất vả như thế nào khi chăm sóc những đứa con 40-50 tuổi đời nhưng trí tuệ không bằng trẻ lên 3 mới thấy hết nỗi vất vả của họ. Đó là chưa kể biến chứng thần kinh làm những đứa con mất hết năng lực kiểm soát hành vi, đánh cả mẹ cha…
Cha mẹ, người thân của nạn nhân chất độc da cam/dioxin không có việc làm, không có thu nhập chỉ vì phải ở nhà trông giữ, chăm sóc con, cháu bệnh tật. Không ít gia đình phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, với bệnh tật… Vì thế, nếu thiếu đi sự quan tâm, trợ giúp của xã hội, rất khó để họ có một cuộc sống ổn định lâu dài.
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đều tha thiết bày tỏ nguyện vọng nhận được nhiều hơn sự sẻ chia về vật chất lẫn tinh thần của toàn xã hội dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bởi theo bà, vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh thương tâm cần được hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống, chữa bệnh, học nghề, sửa chữa nhà cửa…
Hành động vì nạn nhân chất độc da cam không chỉ là lương tâm mà còn là trách nhiệm của cộng đồng xã hội để sẻ chia, làm vơi đi ít nhiều những khốn khó mà nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang gánh chịu.
Minh Ngọc