Người công nhân ấy, vốn xuất thân từ một gia đình nông dân ở một cù lao giữa dòng sông Hậu đầy ấp phù sa, nhưng ông lớn lên và trở thành người công nhân đúng nghĩa giữa đất Sài Gòn - Gia Định đầu thế kỷ 20.
Người công nhân ấy, vốn xuất thân từ một gia đình nông dân ở một cù lao giữa dòng sông Hậu đầy ấp phù sa, nhưng ông lớn lên và trở thành người công nhân đúng nghĩa giữa đất Sài Gòn - Gia Định đầu thế kỷ 20. Từ một người công nhân trong thời kỳ mất nước đến cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - người con ưu tú của cù lao Ông Hổ (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn luôn giữ vững bản chất của một người công nhân có trái tim nồng nàn tình yêu nước.
Hơn thế nữa, người công nhân chân chất ấy còn là một đảng viên cộng sản chân chính, một đời vì nước, vì dân, vì giai cấp công nhân. Từ khi là một người lãnh đạo Công hội đỏ của Sài Gòn - Chợ Lớn đến lúc là một người lãnh đạo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Tôn Đức Thắng kính yêu của chúng ta vẫn là một người công nhân với đầy đủ bản chất và lập trường không thay đổi.
Hồ Chí Minh, người con của làng Sen, sang Pháp năm 1911 và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, đã gặp Tôn Đức Thắng, người Việt Nam phản kháng phát xít, bảo vệ nước Nga Xô Viết, đã gặp nhau ở Việt Bắc và hai người trở thành bạn tri kỷ, chân thành, chung thủy. Bác Hồ đã từng nói về người bạn của mình như sau: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Còn Tổng Bí thư Lê Duẩn, một tư duy lớn của cách mạng Việt Nam, đã nhận xét: “Ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị. Đó là những gương sáng để chúng ta học tập”. Riêng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một người rất kiệm lời, đã hết sức trân trọng Bác Tôn: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.
Có thể nói chữ nghĩa mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về Bác Tôn Đức Thắng đã quá đầy đủ về người công nhân ưu tú của Sài Gòn - Gia Định một thời lừng lẫy. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - Bác Tôn kính yêu là dịp để chúng ta tưởng nhớ người chiến sĩ cách mạng đã phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; một người bạn thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn kính yêu; tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; bồi dưỡng lòng tự hào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nguyên Cách