Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định đó là xây dựng tổ chức bộ máy toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định đó là xây dựng tổ chức bộ máy toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó có 2 nghị quyết quan trọng được ban hành tại hội nghị lần thứ 6. Đó là Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 6 đã yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các địa phương trong cả nước đã đồng loạt tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết 18 và 19, đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết này. Chỉ trong một thời gian ngắn, không ít địa phương đã tiến hành sáp nhập, tinh giản biên chế, giảm các đầu mối… và cho thấy rõ hiệu quả từ chủ trương lớn của Đảng.
Tại Đồng Nai, công tác thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai đúng lộ trình, bám sát chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương. Yêu cầu đặt ra là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đến nay, “hình hài” bộ máy của hệ thống chính trị dự kiến sau khi sắp xếp, tinh gọn đã khá rõ, thể hiện đúng tinh thần mà Nghị quyết 18 và 19 đặt ra. Theo đó, Đồng Nai sẽ giảm khá nhiều đầu mối và biên chế, bớt được sự cồng kềnh, tiết kiệm đáng kể ngân sách… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là thực hiện và thực hiện như thế nào để việc sắp xếp thực sự đem lại hiệu quả, phù hợp, tạo được sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhất là đối tượng nằm trong diện được khuyến khích thôi việc, hưởng chế độ.
Để tìm được tiếng nói đồng thuận, quá trình sắp xếp lại bộ máy được Đồng Nai triển khai thận trọng, khoa học và đặc biệt chú ý đến vấn đề tư tưởng trong đội ngũ. Do đó, có thể thấy rõ bước chuyển về tâm lý, từ lo lắng, e ngại sang tâm thế thoải mái, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế luôn là vấn đề khó bởi liên quan đến nhiều người, nhiều lĩnh vực. Khó nhưng Đảng đã rất quyết tâm, phải làm và làm bằng được với mục tiêu xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bởi chỉ khi xây dựng và vận hành được bộ máy hiệu lực, hiệu quả, vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước mới được phát huy một cách mạnh mẽ nhất, đem lại niềm tin vững chắc từ nhân dân…
Minh Ngọc