Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp sức cho doanh nghiệp

10:07, 15/07/2018

3 điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay là thiếu nguồn vốn lãi suất rẻ; thiếu mặt bằng sản xuất và thiếu sự kết nối/chuyển giao công nghệ để có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường.

3 điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay là thiếu nguồn vốn lãi suất rẻ; thiếu mặt bằng sản xuất và thiếu sự kết nối/chuyển giao công nghệ để có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường. Trên thực tế, 3 điểm yếu trên cũng là 3 điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung chứ không riêng gì doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, song để đẩy nhanh quá trình cạnh tranh, hội nhập thì công nghiệp hỗ trợ là ngành mà Chính phủ rất quan tâm đầu tư phát triển.

Trong đó, thiếu vốn là “tử huyệt” đầu tiên của doanh nghiệp. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... trong các chuỗi cung ứng cho những tập đoàn đa quốc gia thì doanh nghiệp buộc phải cập nhật và mua sắm những máy móc, công nghệ tiên tiến với giá cả có thể lên đến hàng triệu USD. Do đi lên từ quy mô rất nhỏ nên với hầu hết doanh nghiệp trong ngành, đi vay là việc tất nhiên. Mặc dù đã có một vài chính sách ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp, nhưng thực tế mức lãi suất trung - dài hạn mà doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang vay vẫn cao ngất ngưởng: từ 10-13%/năm. Nguyên nhân là do chính sách ưu đãi vốn lãi suất thấp của Chính phủ từ đầu năm 2016 chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn, trong khi các khoản vay ngắn hạn lại không “gãi trúng chỗ ngứa” của doanh nghiệp, bởi đầu tư xây dựng nhà xưởng hay máy móc buộc phải vay trung - dài hạn, thông thường từ 3-5 năm. Sự lệch pha này khiến cho rất ít doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ được nhận ưu đãi từ Chính phủ để mạnh dạn đầu tư phát triển.

Trong một hội thảo chuyên về phát triển công nghiệp hỗ trợ diễn ra mới đây tại Hà Nội, TS.Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ thuộc Bộ Khoa học - công nghệ đã phân tích rất rõ những điểm yếu của chính sách vốn cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam so với Thái Lan. Theo đó, Thái Lan trong nhiều năm gần đây phát triển vượt trội về công nghiệp hỗ trợ, một phần rất lớn là nhờ có các ưu đãi về tài chính. Cụ thể, chính sách ưu đãi tài chính của Thái Lan hiện chủ yếu thông qua các quỹ phát triển đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Quỹ phát triển đổi mới hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất với hình thức 50-50 (doanh nghiệp phải bỏ ra ít nhất 50% kinh phí, còn lại 50% kinh phí sẽ được hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp khoảng 5%/năm, từ 5-10 năm). Quỹ nghiên cứu và phát triển công nghệ hỗ trợ dưới hình thức cho vay lãi suất thấp để phục vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giúp nâng cấp, cải tiến máy móc, thiết bị nhằm nâng cao sản phẩm đầu ra (nguồn: Báo Doanh nhân Việt Nam). Nhờ có cơ chế vốn linh hoạt đó, cộng với các hỗ trợ khác về đầu ra sản phẩm, về công nghệ nên chỉ trong 10 năm qua, Thái Lan trở thành một điểm sáng trong khu vực về phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút rất nhiều tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Định hướng của Chính phủ trong thời gian tới cho thấy, công nghiệp hỗ trợ vẫn là lĩnh vực cần đầu tư phát triển mạnh, đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng, những cạnh tranh và đòi hỏi trong ngành này sẽ càng gắt gao hơn. Với một địa bàn có thế mạnh là công nghiệp như Đồng Nai, phát triển công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp trong ngành có thể tham gia vào chuỗi cung ứng ngay trên địa bàn là một vấn đề bức bách. Về chính sách, Đồng Nai cũng đã làm nhiều biện pháp trong khả năng để hỗ trợ cho việc phát triển ngành này. UBND tỉnh đã thành lập 3 phân khu phát triển công nghiệp hỗ trợ nằm trong các khu công nghiệp với tổng diện tích 261 hécta tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom), An Phước (huyện Long Thành) và Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch).

Mặc dù vậy, những chính sách hỗ trợ chung có tính bao quát đủ để “chạm” đến từng doanh nghiệp, tiếp sức được cho doanh nghiệp một cách thực thụ như cơ chế về vốn giá rẻ chẳng hạn, lại khó lòng thực hiện được trong phạm vi một ngành hay một địa phương, mà nó đòi hỏi tầm nhìn dài hạn từ Chính phủ, bởi cạnh tranh trong ngành công nghiệp hỗ trợ không còn dừng lại trong biên giới một quốc gia, mà đã lan rộng khắp trong khu vực.

Vi Lâm

Tin xem nhiều