Có thể nói, kể từ khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ra đời, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bước vào giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã tạo được một khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân.
Có thể nói, kể từ khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ra đời, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bước vào giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã tạo được một khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân.
Thực tế, khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ban hành vào cuối năm 2016, thời điểm đó tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức dẫn đến những yếu kém, tiêu cực trong Đảng diễn ra ở nhiều nơi gây mất niềm tin trong nhân dân. Vì thế không chỉ người dân mà ngay cả đảng viên cũng còn tâm lý băn khoăn, hoài nghi không biết nghị quyết có được thực hiện triệt để. Trong bối cảnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra và cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng ở các cấp là hết sức quan trọng.
Từ năm 2017 đến nay, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh sai phạm của hàng loạt cán bộ, qua đó Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật một số cán bộ, thậm chí cách chức, khai trừ Đảng một số lãnh đạo cấp cao đã trở thành sự kiện thu hút sự chú ý của toàn xã hội, đồng thời cho thấy quyết tâm của Đảng, khẳng định không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng. Những động thái quyết liệt ấy của Đảng đã góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, giữ gìn sự ổn định để phát triển đất nước; đồng thời góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Kết quả ấy có vai trò rất lớn của công tác kiểm tra, giám sát.
Từ thực tế đó, công tác xây dựng Đảng của các cấp ủy trong cả nước đã được coi trọng hơn, càng khẳng định quan điểm kiểm tra, giám sát là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Thực tế đó cũng đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải “có tâm, có tầm”, phải nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước để thực thi nhiệm vụ với động cơ trong sáng, không vì lợi ích cá nhân…
Nói về công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”, cho thấy người làm công tác kiểm tra, giám sát không chỉ “có tâm, có tầm” mà còn phải có “dũng khí”, có quyết tâm chính trị cao. Bởi vẫn còn một số địa phương, cơ quan, đơn vị có tình trạng kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; trong đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc.
Tại Đồng Nai, thời gian qua công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng có những nét mới là ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động hơn trong việc tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm khá nhiều, kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra vi phạm; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ; phát huy vai trò của người đứng đầu. Qua đó, ủy ban kiểm tra các cấp đã kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, không chỉ góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh mà còn củng cố niềm tin của đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Hà Lam