Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển và sự giàu nghèo giữa các vùng, dân tộc. Thực hiện chủ trương này, đã có nhiều chính sách, dự án, chương trình được thực hiện.
Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển và sự giàu nghèo giữa các vùng, dân tộc. Thực hiện chủ trương này, đã có nhiều chính sách, dự án, chương trình được thực hiện.
Tại Đồng Nai, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã triển khai đầy đủ các dự án, chính sách với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật mới trong sản xuất, chăn nuôi... Chỉ tính từ năm 2011-2017, thực hiện 4 dự án thuộc chương trình quốc gia giảm nghèo (gồm: khuyến nông hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông nghiệp cho hộ nghèo; nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông về giảm nghèo; dự án nâng cao năng lực và giám sát đánh giá thực hiện chương trình), Đồng Nai đã huy động tổng nguồn lực gần 115 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 76 tỷ đồng, ngân sách huyện 2,2 tỷ đồng và các hộ dân tham gia góp vốn trên 36 tỷ đồng.
Chính vì huy động tốt các nguồn lực tham gia công tác giảm nghèo, Đồng Nai đã giảm được trên 49 ngàn lượt hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt 7,69%, giảm được 25 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nếu như đầu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh là 6,62%, thì đến cuối năm 2014 tỷ lệ này giảm xuống còn 0,98%, và từ 2,89% vào đầu năm 2015 giảm xuống còn 0,9% vào cuối năm 2017. Ngày càng có nhiều hơn sự quan tâm, chăm lo cho người nghèo. Nhờ đó, đời sống của người nghèo ngày càng được cải thiện, nhiều hộ đã biết vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh nhận định, một khó khăn đang cản trở việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh chính là hộ nghèo... không muốn thoát nghèo. Do nếu nằm trong diện hộ nghèo sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, từ đó không ít hộ nghèo nảy sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vậy nên mới có chuyện, có hộ nghèo nhà bị dột không sửa mà chờ... Nhà nước. Có hộ nghèo sau khi nhận vốn vay không tu chí làm ăn, tiêu xài hết vốn vay và mất khả năng chi trả. Bên cạnh đó, việc dạy nghề cho hộ nghèo còn một số bất cập, chưa giải quyết được căn cơ nhu cầu giải quyết việc làm cho người nghèo, thậm chí vẫn còn tình trạng đào tạo nghề không phù hợp với trình độ và nhu cầu thực tế.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, 2 nghị quyết “tiếp sức” cho người nghèo đã được thông qua là nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nghị quyết ban hành quy chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2018-2020. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, tham gia có hiệu quả các dự án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đồng thời tăng chuẩn hộ nghèo nhằm tiếp tục giúp người nghèo vượt lên khó khăn, vươn lên trở thành các hộ có mức sống trung bình, khá, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nỗ lực của tỉnh Đồng Nai rất lớn, nhưng nỗ lực này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu như cả hệ thống chính trị không chung tay, thực hiện quyết liệt các mục tiêu đã đề ra, nhất là việc loại trừ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo trong mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Minh Ngọc