Nếu thực hiện đúng, đủ các chức năng, nhiệm vụ theo quy định, cán bộ Công đoàn cơ sở phải là những người "đa zi năng" (toàn diện, đa tài).
Nếu thực hiện đúng, đủ các chức năng, nhiệm vụ theo quy định, cán bộ Công đoàn cơ sở phải là những người “đa zi năng” (toàn diện, đa tài).
Là luật sư, bởi cán bộ Công đoàn cơ sở phải thật am hiểu về pháp luật lao động như Bộ luật Lao động cùng vô số các nghị định, thông tư liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Là nhà tâm lý, để cán bộ Công đoàn cơ sở không chỉ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động mà còn của người sử dụng lao động.
Là nhà hùng biện, cán bộ Công đoàn cơ sở mới có thể thuyết phục người sử dụng lao động, lãnh đạo doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức Công đoàn; thuyết phục người lao động tham gia tổ chức Công đoàn; vận động người lao động tham gia xây dựng, phát triển cơ quan, doanh nghiệp. Thậm chí nếu xảy ra mâu thuẫn trong quan hệ lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở chính là cầu nối tạo ra sự hài hòa trong quan hệ lao động.
Là nhà tổ chức để xây dựng, phát động các phong trào thi đua yêu nước trong đơn vị, phong trào lao động giỏi trong doanh nghiệp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể thao.
Là tuyên truyền viên, để tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người lao động.
Không chỉ thế, cán bộ Công đoàn cơ sở còn phải có kiến thức chuyên môn nhất định để tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động trong đơn vị, doanh nghiệp; tham gia xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp tạo việc làm cho người lao động; tham gia xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách cho người lao động (tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, các chế độ phúc lợi).
Và trên hết, đó phải là người có tâm huyết, yêu nghề, mến việc mới có thể làm công việc “vác tù và hàng tổng”, có uy tín, đạo đức cao để trở thành “thủ lĩnh” của công nhân lao động…
Kể sơ lược một vài chức năng, nhiệm vụ để thấy rằng vai trò và năng lực của cán bộ Công đoàn cơ sở rất quan trọng. Thế nhưng, trong thực tế cán bộ Công đoàn cơ sở ít khi được đào tạo bài bản về kỹ năng hoạt động, mà phần lớn làm việc theo cách “xưa bày nay vẽ”, học hỏi kinh nghiệm từ các nơi khác. Trong 5 năm (nhiệm kỳ 2013-2018) có 27,9 ngàn lượt cán bộ trong số hơn 27 ngàn cán bộ Công đoàn cơ sở (trên 10%) được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tỷ lệ này quá ít ỏi so với yêu cầu thực tiễn.
Trong xu thế hội nhập thế giới, nhất là khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, ở cấp cơ sở có thể sẽ xuất hiện các tổ chức đại diện khác của người lao động. Vấn đề cạnh tranh để thu hút, giữ chân đoàn viên công đoàn là điều tất yếu sẽ xảy ra giữa Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện khác của người lao động. Vì vậy, mục tiêu cấp bách của tổ chức Công đoàn hiện nay là nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn cơ sở, đáp ứng nhu cầu người lao động trong tình hình mới.
Công đoàn Việt Nam xác định một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm tổ chức cần tập trung là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tư duy sáng tạo. Vì thế, trong thời gian tới nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn ở Đồng Nai - địa phương tập trung đông công nhân lao động, sẽ rất nặng nề để xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn bản lĩnh, tâm huyết, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, gắn bó sâu sát với cơ sở; có năng lực tư vấn, thuyết phục, đối thoại, thương lượng và bảo vệ người lao động. Có như thế, tổ chức Công đoàn mới thực sự là tổ chức đại diện của người lao động.
Hà Lam