Cho đến lúc này, bất động sản vẫn luôn là một trong các kênh đầu tư quan trọng và phổ biến nhất bên cạnh chứng khoán, vàng...
Cho đến lúc này, bất động sản vẫn luôn là một trong các kênh đầu tư quan trọng và phổ biến nhất bên cạnh chứng khoán, vàng... Và trên thực tế, dù thị trường bất động sản khi trầm lắng hay sôi động thì những người nắm trong tay các loại bất động sản không mấy khi mất mát, trừ khi họ đầu tư theo dạng vay lãi suất cao để đầu cơ theo dạng ăn xổi ở thì.
Đầu tư bất động sản hiện diện trong cuộc sống hiện nay như một sự đương nhiên, thu hút từ người nội trợ bình thường đến những ông chủ tập đoàn lớn nhất, ai ai cũng có thể tham gia thị trường này ở nhiều mức độ khác nhau. Vậy nên bao lâu nay, tất cả chính sách liên quan đến thị trường bất động sản đều hết sức nhạy cảm và gây tác động lớn đến xã hội. Ý thức được điều đó, Nhà nước cũng có nhiều chính sách để vừa phát triển vừa giúp kiểm soát thị trường nhạy cảm này, nhưng các “cơn sốt” bất động sản vẫn diễn ra theo nhiều cách, gây ra nhiều hệ lụy.
Còn nhớ cách đây gần 10 năm, “cơn sốt” bất động sản diễn ra trên quy mô cả nước đã để lại nhiều hậu quả lớn đến tận ngày nay vẫn chưa giải quyết xong, trong đó nặng nề nhất là việc các ngân hàng trở thành sân sau cho các tập đoàn đầu cơ, dẫn đến phá sản hàng loạt doanh nghiệp, nhiều người trắng tay trong khi vốn chôn vào các dự án bất động sản đến nay vẫn nằm im lìm vì bị đẩy quá cao so với giá trị thực.
Và vừa rồi, “sốt đất” lại diễn ra trên nhiều địa phương của cả nước, không riêng Đồng Nai. Mặc dù quy mô và mức độ không quá nặng nề như lần trước, song không thể thờ ơ trước những cơn sóng lớn trong đầu cơ đất ở khắp nơi, từ Phú Quốc đến TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đâu đâu cũng nghe chuyện đầu cơ đất. Giá đất nhanh chóng bị đẩy lên gấp 2-3 lần so với gần 2 năm trước, nhiều địa phương phải ban hành các chính sách kiểm soát tạm thời như: tạm ngưng giao dịch, tạm ngưng tách thửa… Các ngân hàng cũng đồng loạt siết lại các khoản vay bất động sản theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Và nhờ thế, “cơn sốt” hạ dần. Hệ quả có lẽ vẫn có, song hy vọng không đến mức nặng nề như “cơn sốt” 10 năm trước.
Hiện tại, giá đất ở Đồng Nai đã giảm nhẹ, giao dịch giảm khá nhiều và mất mát sẽ rơi vào người mua đất cuối cùng, bởi nếu “cơn sốt” đất không duy trì nữa thì tính thanh khoản của đất đai sẽ hạ, không dễ bán tháo để thu hồi vốn.
Mua bán, đầu cơ bất động sản nhìn chung không trái luật, trừ khi cách kinh doanh đó vi phạm các quy định liên quan. Song, lao theo những khoản lời ngắn hạn, “lờ” đi các quy định, thông tin cần thiết về giá trị thực của sản phẩm, tính pháp lý của sản phẩm thì tất yếu sẽ dẫn đến thua lỗ.
Trách nhiệm trong các “cơn sốt” đất không thể đổ hết cho chính quyền, mà thực tế mỗi người đầu cơ tham gia vào như một mắt xích cũng phải chịu trách nhiệm cho những hệ lụy từ “cơn sốt” đó. Bình tâm cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi xuất tiền đầu tư suy cho cùng cũng là nghĩa vụ của chính những người mua đất.
Vi Lâm