Những năm gần đây, khi công nghệ số bùng nổ, trong các gia đình hiện đại đã xuất hiện cụm từ mới: "bảo mẫu công nghệ số".
Những năm gần đây, khi công nghệ số bùng nổ, trong các gia đình hiện đại đã xuất hiện cụm từ mới: “bảo mẫu công nghệ số”. Hiện tượng các bậc cha mẹ thường xuyên cho con sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng như: iPhone, iPad, Samsung Galaxy để giữ con ngồi yên không nghịch phá hoặc chịu ăn cơm, thậm chí xem các thiết bị số như “cứu tinh” khi cần làm việc riêng… ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều trẻ còn nhỏ nhưng đã sử dụng rất thành thạo các thiết bị công nghệ số.
Việc trẻ em ngày nay sử dụng công nghệ số là điều tự nhiên, tất yếu trong đời sống xã hội đang ngày càng phát triển về công nghệ thông tin, công nghệ số. Về mặt tích cực, công nghệ số giúp trẻ nhanh chóng tiếp nhận thông tin, tăng kiến thức, nâng cao sự hiểu biết, từ đó nhanh chóng thích ứng với nhịp sống hiện đại. Một số phần mềm về ứng dụng giáo dục dành cho trẻ em cài đặt trên thiết bị số cầm tay còn giúp trẻ tập đọc, tư duy khoa học và học toán tốt hơn.
Tuy nhiên, điều gì cũng có tính 2 mặt và “thái quá thì bất cập”. Trẻ sử dụng công nghệ số quá sớm, tần suất cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý, thậm chí đến sự hình thành nhân cách. Việc trẻ ngồi yên dán mắt quá lâu vào màn hình sẽ gây tổn hại về thị giác, ít vận động làm hạn chế sự phát triển thể lực. Nhưng quan trọng hơn, khi trẻ “ôm” thiết bị số quá nhiều sẽ hình thành quán tính giao tiếp với “thế giới ảo” dẫn đến giảm kỹ năng giao tiếp, phản biện hoặc sáng tạo cũng như khả năng thích nghi trong thế giới thực. Bên cạnh đó, có một số trẻ bị “nghiện” thiết bị số, trở thành “nô lệ” của smart phone, IPad mà lẽ ra đó chỉ là một phương tiện thông tin, mà việc “cai nghiện” thường rất gian nan.
Có điều, chắc chắn không thể cấm trẻ tiếp xúc thiết bị số mà cần hướng dẫn trẻ sử dụng đúng cách với tần suất vừa đủ phục vụ học tập và vui chơi giải trí chứ không lạm dụng. Và thực hiện nhiệm vụ này tất nhiên không ai khác hơn chính là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Mỹ, trẻ trên 2 tuổi chỉ nên cho tiếp xúc thiết bị số nhiều nhất là 1-2 giờ, còn trẻ dưới 2 tuổi thì tốt nhất là không nên sử dụng. Cha mẹ không chỉ quản lý chặt thời gian sử dụng, mà còn cần quản lý cả nội dung thông tin, trò chơi… để bảo vệ con trước những mặt trái của thời đại công nghệ số.
Hãy học bài học từ 2 “ông trùm” công nghệ số là Steve Jobs - cố Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành của Hãng Apple, Evan Williams - người sáng lập Blogger và Twitter. Trong gia đình của 2 ông có “gia quy” là các con chỉ được sử dụng thiết bị số không quá 1 giờ/ngày và chỉ sau khi làm xong bài tập về nhà, cấm sử dụng vào ban đêm và cuối tuần. Nhà của Evan Williams có hàng trăm cuốn sách, ông khuyến khích 2 con trai đọc sách nhưng hạn chế sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh. Trong bữa cơm chiều, Steve Jobs cùng các con thảo luận sôi nổi về những quyển sách, về lịch sử và hàng tỷ thứ khác, nhưng không một ai kể cả ông được dùng máy tính hay bất cứ thiết bị điện tử nào trong giờ ăn.
Cha mẹ có phải là tấm gương cho các con không khi cũng thường xuyên lướt web, lên facebook trước mặt trẻ? Vì vậy, hãy tích cực giao tiếp cùng con, hướng dẫn con khám phá, tận hưởng cuộc sống, giúp con cân bằng giữa thế giới ảo và môi trường thực chứ đừng giao phó con cho “bảo mẫu công nghệ số”.
Hà Lam