Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ đặc sản có tên?

09:07, 29/07/2018

Không ít người từng bùi ngùi cầm trên tay trái sầu riêng, chùm vải thiều, quả xoài, nải chuối trên đất Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc và biết nó có xuất xứ Việt Nam.

Không ít người từng bùi ngùi cầm trên tay trái sầu riêng, chùm vải thiều, quả xoài, nải chuối trên đất Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc và biết nó có xuất xứ Việt Nam. Bùi ngùi không chỉ bởi bắt gặp “một mảnh quê hương” nơi xứ lạ, mà còn bởi biết quả ngọt đó được chăm trồng trên đất Việt Nam, nhưng lại mang một thương hiệu... lạ hoắc lạ huơ. Lạ là bởi đã chọn được những lô hàng chất lượng nhất, song khi “qua tay” các nhà nhập khẩu nước sở tại, nhiều loại trái cây Việt Nam đã mang một thương hiệu của một quốc gia khác.

Thực ra, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho trái cây nói riêng và các loại nông sản nói chung đã được đề cập liên tục từ nhiều năm qua. Song con đường xây dựng tên tuổi, thương hiệu trên thị trường quốc tế cho trái cây Việt Nam vẫn là một con đường dài đầy khó khăn. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, 80% nông sản Việt Nam được bán dưới hình thức không hề có thương hiệu, không logo, nhãn mác... và đó là một thiệt thòi rất lớn cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân.

Theo đó, xây dựng thương hiệu cho trái cây thực sự không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một doanh nghiệp hay cá nhân đơn lẻ, mà cần định hướng từ quốc gia, vùng, địa phương. Chính phủ sẽ phải thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu cho những loại trái cây đặc thù của đất nước, từng vùng, từng địa phương cũng tham gia xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các loại đặc sản, doanh nghiệp và nông dân cùng bắt tay giữ vững chất lượng, làm nhãn hiệu và xuất khẩu. Có như thế, trái cây Việt Nam mới dần dần từng bước “mạnh” lên trên thị trường. Chẳng hạn nếu làm tốt, một doanh nghiệp có thể xuất khẩu chôm chôm Long Khánh dưới nhãn hiệu A hoặc B, song người tiêu dùng đều được biết thông tin “Long Khánh, Đồng Nai, Việt Nam” là vùng trồng chôm chôm nổi tiếng hàng chục năm nay, và họ tin cậy bỏ tiền mua. Cũng tương tự như người tiêu dùng khắp thế giới mua rượu vang vùng Bordeaux của Pháp bởi họ đã biết tiếng vùng trồng nho, làm rượu nổi danh từ lâu nay.

2017 là năm đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của xuất khẩu các mặt hàng rau quả Việt Nam với kim ngạch lên đến 3,5 tỷ USD và mức tăng trưởng đạt đến 43% so với năm 2016. Tổng cục Thống kê cho biết đến cuối năm 2017 đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Song đáng buồn là trong nhóm 10 thị trường xuất khẩu rau quả năm 2017 của Việt Nam thì Trung Quốc chiếm đến 75,6%, trong khi các quốc gia khác như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan... chỉ chiếm chưa đầy 3% kim ngạch. Ai cũng hiểu, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện nay chủ yếu vẫn là xuất thô, xuất theo đường tiểu ngạch, không nhãn mác thương hiệu...

Trên thực tế, Chính phủ cùng các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản nói chung và trái cây nói riêng, đặc biệt cho nhiều vùng trái cây đặc sản. Những loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai như: chôm chôm Long Khánh, bưởi Tân Triều... đều đã có chỉ dẫn địa lý, song có lẽ còn cần nhiều bàn tay góp sức để sản phẩm được đến với người tiêu dùng chuyên nghiệp và chính danh hơn (thể hiện bằng nhãn mác, logo, xuất xứ hàng hóa trên chính sản phẩm xuất khẩu của người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu), thay vì bán một cách “cào bằng” cho thương lái hoặc xuất khẩu đi các thị trường nhỏ lẻ một cách vô danh.

Mong rằng cùng với những yêu cầu khắt khe hơn của thị trường và nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp lẫn nông dân, trái cây Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu đủ mạnh về lâu dài, bởi trái cây Việt sẽ phải dùng chính thương hiệu của mình để cạnh tranh không chỉ trên thị trường quốc tế, mà còn ở trên chính sân nhà.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều