Cách đây đúng 70 năm, vào ngày 11-6-1948, Bác Hồ đã viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc với mong muốn "thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng".
Cách đây đúng 70 năm, vào ngày 11-6-1948, Bác Hồ đã viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc với mong muốn “thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.
Từ lời kêu gọi của Người, nhiều phong trào thi đua thiết thực đã được triển khai, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và là động lực vô cùng quan trọng để cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, dựng xây đất nước. Thành tựu mà Việt Nam đạt được ngày hôm nay được kết tinh bởi kết quả của những phong trào thi đua sôi nổi xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn, tất cả vì Tổ quốc thiêng liêng.
Có thể thấy ở bất cứ ngành hay lĩnh vực nào, từ trung ương đến địa phương, phong trào thi đua đã thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Những cán bộ, đảng viên thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công nhân lao động trong phân xưởng, nhà máy hăng hái lao động giỏi, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đem lại lợi ích cho bản thân, doanh nghiệp. Thầy cô giáo và học sinh trong môi trường giáo dục không ngừng thi đua dạy tốt, học tốt. Cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang thi đua thực hiện nghiêm lời Bác Hồ dạy, luôn trong tư thế sẵn sàng khi đất nước cần...
Tại Đồng Nai, một tỉnh nổi tiếng cả nước về thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khi phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ít ai nghĩ rằng chỉ sau một thời gian ngắn, kết quả đạt được lại tích cực đến vậy. Đồng Nai đã có huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước; nhiều tiêu chí trong phong trào này luôn cao hơn so với các địa phương lân cận. Phong trào này đã thực sự tạo được sự ganh đua lành mạnh giữa các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận lớn của người dân.
Hay như trong công tác khen thưởng của phong trào thi đua, Đồng Nai luôn chú trọng khen thưởng những đối tượng là lao động trực tiếp như công nhân, nông dân. Điều này tránh được tình trạng khi thực hiện phong trào thi đua thì tập thể làm nhưng khi khen thưởng chỉ... lãnh đạo hưởng. Ngay việc xem xét, đánh giá các tiêu chí thi đua cũng được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, hạn chế tình trạng dễ dãi, nể nang. Vì thế, để đạt được những danh hiệu thi đua không hề đơn giản, đòi hỏi địa phương, đơn vị hay mỗi cá nhân phải nỗ lực và xứng đáng thực sự.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, thi đua phải cho thấy được sức mạnh to lớn của mình trong việc phát huy truyền thống yêu nước của mỗi con người Việt Nam. Nói như Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại hội thảo kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc mới đây tại Hà Nội, thi đua trong tình hình mới phải cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sáng tạo, làm nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta vững bước trên con đường phát triển.
MINH NGỌC