Trong báo cáo điểm lại và nhận định về triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam vừa được công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, GDP năm 2018 của Việt Nam có khả năng đạt ở mức 6,8%.
Trong báo cáo điểm lại và nhận định về triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam vừa được công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, GDP năm 2018 của Việt Nam có khả năng đạt ở mức 6,8%. Riêng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong báo cáo triển vọng phát triển châu Á, đã đưa ra nhận định, Việt Nam sẽ là một trong những nước có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực với GDP 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 7,1%.
Cả 2 tổ chức tín dụng hàng đầu của thế giới đều nhận định và đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều cao hơn mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị thông qua và Chính phủ đang phấn đấu thực hiện. Vốn là những tổ chức tài chính, tín dụng lớn của thế giới nên mọi nhận định, dự báo về vấn đề nào đó đều rất thận trọng, vậy điều gì đã khiến WB và ADB đưa ra những dự báo về kinh tế Việt Nam đầy lạc quan như vậy? Trước hết, là kinh tế toàn cầu đang trên đà hồi phục với nhiều dấu hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm 2018; nhu cầu của thế giới gia tăng, giúp cho xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội phát triển. Còn về chủ quan là “tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2017 và quý I-2018 đang tạo đà vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên” và “kinh tế trong giai đoạn vững chắc là cơ hội lớn để đầu tư cho nguồn nhân lực, nhằm giải quyết những thách thức để duy trì đà tăng trưởng” - ông Ousmans Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, đã nhận xét như vậy. Còn ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, đưa ra nhận xét: “Các lực đẩy chính với nền kinh tế là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu tăng mạnh, tiêu dùng nội địa cao, nông nghiệp phục hồi, môi trường kinh doanh, việc làm tiếp tục được cải thiện, nợ công giảm đáng kể, tài khóa được củng cố và lạm phát ở mức thấp, sẽ tiếp tục giúp ổn định vĩ mô”.
Ngoài những nhân tố kể trên, một nhân tố rất quan trọng, tuy không nêu ra trong báo cáo và không đặt ra trong phát biểu của mình nhưng hẳn 2 vị đại diện của WB và ADB cũng đều thừa nhận, sự ổn định về chính trị của Việt Nam là một nhân tố quan trọng của phát triển. Chính sự ổn định về chính trị của Việt Nam cùng với những nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ, tạo môi trường thông thoáng và thân thiện, là điểm đến cho các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Con số 6,7 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018, tăng thêm 27,6% và con số 36 tỷ USD là vốn đầu tư từ nước ngoài của năm 2017, đã nói lên điều đó. Đúng như TS.Philippe Delalande, một nhà nghiên cứu kinh tế người Pháp, từng nhận xét: “Nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có một nền hòa bình và thịnh vượng. Nếu nhìn sang một số quốc gia trong khu vực, dễ thấy rằng, trừ Singapore, thì từ năm 1990 trở lại đây, hầu hết các nước đều trải qua các cuộc đảo chính hoặc khủng hoảng chính trị. Trong khi đó, nền chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đây là đảm bảo cho một sự gắn kết để thực hiện các chính sách kinh tế nhất quán. Tôi cho rằng, thành công của sự nghiệp đổi mới của Việt Nam cũng dựa trên sự ổn định chính trị này”.
Trong khi nhân dân Việt Nam mong muốn có một nền chính trị ổn định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, để lao động hòa bình, làm cho dân giàu nước mạnh, thì các thế lực thù địch trong, ngoài nước luôn tìm cách phá hoại sự ổn định ấy. Bọn chúng âm mưu thực hiện ở Việt Nam cái gọi là các cuộc “cách mạng nhung”, “cách mạng hoa hồng”, “cách mạng hoa nhài”, “mùa xuân Ả Rập”… bằng “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Nhưng trước sự kiên định và cảnh giác của nhân dân Việt Nam, những âm mưu thâm độc ấy, đã bị vạch trần và đập tan. Bởi nhân dân và công nhân lao động Việt Nam, ai cũng thấy cái gọi là cuộc “cách mạng hoa hồng” chỉ đem lại cho nhân dân Gruzia, Ukraine sự mất mát, chia rẽ, đói kém. Còn cái gọi là “cách mạng hoa nhài” đã dẫn đến bất ổn chính trị, đổ máu, chia rẽ sâu sắc, làm kinh tế kiệt quệ ở các nước như: Tunisia, Lybia, Ai Cập. Rồi cái gọi là “mùa xuân Ả Rập”, đã dẫn đến các cuộc nội chiến, xung đột sắc tộc, tàn sát lẫn nhau một cách đẫm máu, khiến hàng triệu người phải bỏ đất nước ra đi sang các nước châu Âu và hàng chục ngàn người đã phải bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải. Nỗi thống khổ tột cùng của nhân dân Syria mà hàng ngày chúng ta chứng kiến qua truyền thông là một minh chứng cho những ảo tưởng của những người tham gia “mùa xuân Ả Rập”. Giờ đây, những người đã từng xuống đường tham gia cái gọi là “mùa xuân Ả Rập” từ Tunisia, Ai Cập, Lybia, Yemen, Syria… đều đau khổ và hối tiếc thốt lên rằng: “Bây giờ, là mùa đông Ả Rập” với biết bao đau thương, mất mát, bởi các cuộc xung đột hết sức đẫm máu, dẫn đến suy sụp kinh tế, thất nghiệp, đói kém…
Nêu vài ví dụ kể trên, để thấy rằng, phải giữ ổn định chính trị, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, tiến hành lao động trong hòa bình, góp phần làm cho đất nước phồn vinh, gia đình ấm no, hạnh phúc là tình cảm yêu nước đúng nghĩa và đó cũng là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi chúng ta đối với Tổ quốc. Cho nên, muốn thể hiện lòng yêu nước, mỗi chúng ta cần phải chung tay góp phần giữ vững sự ổn định nền chính trị của đất nước, bởi đó là nguồn lực, là vốn quý để chấn hưng kinh tế, hội nhập và phát triển.
Mọi hành vi làm tổn hại đến sự ổn định chính trị của đất nước là đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân Việt Nam và vô tình tiếp tay với các thế lực thù địch muốn phá hoại sự phát triển của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Nguyên Cách