Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng nghe và chia sẻ

10:06, 11/06/2018

Đã có không ít vụ tự tử xảy ra mà nạn nhân là những học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường chỉ vì những lý do hết sức đơn giản như: bị điểm yếu; không đạt được mong muốn, kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô...

Đã có không ít vụ tự tử xảy ra mà nạn nhân là những học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường chỉ vì những lý do hết sức đơn giản như: bị điểm yếu; không đạt được mong muốn, kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô...

Những cái chết thương tâm ấy luôn để lại nỗi day dứt khôn nguôi cho người ở lại. Sự tiếc nuối là hiển nhiên, bởi giá như cha mẹ, thầy cô, bè bạn biết lắng nghe và chia sẻ suy nghĩ của con mình, trò mình, bạn mình thì đâu nên nỗi. Chỉ khi sự việc đã rồi, nhiều người mới hối hận nhưng tất cả đã muộn màng…

Nhiều bậc phụ huynh có con đang bước vào lứa tuổi dậy thì cũng đau đầu tìm kiếm phương pháp giáo dục phù hợp vì trẻ ở lứa tuổi này khá bướng bỉnh, thường thích làm theo ý mình, không nghe lời cha mẹ, thầy cô. Các em sống khép kín, ít chia sẻ với cha mẹ, không thích chơi thân với ai. Có em ngoài giờ đi học chỉ muốn ở nhà, co cụm với thế giới riêng là mạng xã hội. Cha mẹ nếu không khéo léo rất khó để “đụng” vào thế giới này của con chứ đừng nói gì đến hiểu chúng. Khi trẻ chểnh mảng chuyện học hành, bị cha mẹ la mắng, sẽ rất dễ nổi nóng và có những hành động khó kiểm soát.

Trong môi trường giáo dục, không phải thầy cô nào cũng có thời gian gần gũi để hiểu học trò mình. Vì thế, ở hầu hết các vụ học sinh tự tử vừa qua, khi được hỏi biểu hiện của học trò trước khi đi đến quyết định dại dột, hủy hoại cuộc đời, giáo viên chủ nhiệm đều cho rằng tâm lý học sinh đó rất bình thường. Thầy cô không thể biết được rằng có những điều mà học sinh luôn giấu kín, bởi các em chưa tìm được sự an toàn khi chia sẻ hoặc muốn được tư vấn nhưng không biết hỏi ai, hỏi ở đâu.

Ngay cả vấn đề thuộc về tâm lý lứa tuổi hiện cũng chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết những thông tin về giới tính, tình yêu, tình dục… đều được các em khai thác trên mạng, thông tin chính thống từ môi trường học đường rất ít. Vì vậy, có những điều các em không biết thổ lộ cùng ai và rất dễ phạm sai lầm khi tuổi đời còn quá trẻ.

Còn rất, rất nhiều những vấn đề thuộc về tâm lý lứa tuổi học sinh cần được quan tâm, định hướng nhưng còn bỏ ngỏ dù có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, dễ thấy học sinh đang thiếu một môi trường an toàn từ gia đình, nhà trường đến xã hội.

Rõ ràng để phát triển toàn diện, nhất là về nhân cách cho học sinh không thể thiếu vai trò của tham vấn tâm lý. Tuy nhiên, đây còn là vấn đề chưa được mấy quan tâm ở nước ta bởi nhiều lý do, trong đó có lý do thiếu kinh phí và những chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm. Song, với nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra với học sinh trong môi trường học đường vừa qua, đã đến lúc ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung phải ưu tiên cho nội dung này trong chương trình đào tạo.

Rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm để học sinh được sống đúng với lứa tuổi của mình, được định hướng đúng và phát triển lành mạnh. Hãy lắng nghe và chia sẻ với các em trước khi quá muộn!

Minh Ngọc

Tin xem nhiều