Một cán bộ khu phố ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chia sẻ mấy tuần nay ông phải đích thân đến từng nhà dân trong các tổ dân phố mà ông được phân công để hướng dẫn họ điền phiếu thông tin, dữ liệu dân cư làm thẻ căn cước công dân.
Một cán bộ khu phố ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chia sẻ mấy tuần nay ông phải đích thân đến từng nhà dân trong các tổ dân phố mà ông được phân công để hướng dẫn họ điền phiếu thông tin, dữ liệu dân cư làm thẻ căn cước công dân. Nhiều hộ đi vắng, ông phải đi tới đi lui rất vất vả nhưng được cái đến nhà ai bà con cũng mừng, họ nói chờ Nhà nước triển khai vấn đề này từ lâu lắm rồi.
Mọi người mừng vì sau này đi làm thủ tục hành chính đỡ rườm rà, chỉ cần thẻ căn cước công dân có thể thay thế tất cả các loại giấy tờ liên quan đến nhân thân. Người dân vẫn còn than phiền hiện họ sở hữu quá nhiều giấy tờ liên quan đến nhân thân nhưng khi đi làm thủ tục hành chính, mỗi thủ tục lại yêu cầu những loại giấy tờ khác nhau.
Nhiều trường hợp khó khăn lắm mới xin được chỗ làm cho nghỉ việc một buổi (ngày) để đến cơ quan nhà nước làm giấy tạm trú cho người thân nhưng phải quay về vì quên mang theo sổ hộ khẩu; đi khám bệnh đã có thẻ bảo hiểm y tế mà còn yêu cầu phải có giấy chứng minh nhân dân; trẻ em khi ra sân bay không mang theo giấy khai sinh thì phụ huynh phải quay về nhà lấy, nếu không sẽ không được lên máy bay…
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Việc số hóa thông tin cá nhân bằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống - xã hội.
Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết phải triển khai chính xác, khoa học ngay từ khâu thu thập thông tin, dữ liệu dân cư từ cấp cơ sở. Đặc biệt với những địa phương có dân số đông, nhiều người nhập cư như Đồng Nai phải có sự rà soát, xác minh kỹ lưỡng để tránh những trường hợp sót, không chính xác hoặc cố tình khai sai. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của chính quyền, công an cấp xã, phường. Bên cạnh đó, ý thức trung thực của mỗi công dân trong khai báo thông tin cũng đóng vai trò quyết định về tính khả thi của dự án.
Ngoài ra, vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin giữa ngành công an và các ngành khác để có một dữ liệu chung của cả nước (trong đó vừa có dữ liệu công dân với các dữ liệu khác như: hộ tịch, y tế, giáo dục, nhà đất…) cũng cần được đặc biệt chú ý và thực hiện đồng bộ với việc triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì nếu đã có thẻ căn cước công dân, có mã định danh rồi nhưng giữa các cơ quan nhà nước chưa được kết nối dữ liệu thì cũng chưa thể khắc phục triệt để những bất cập, phiền toái cho người dân.
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một dự án công nghệ thông tin có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Do đó, quá trình triển khai chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, đây là dự án có ý nghĩa lớn đối với người dân và công tác quản lý hành chính của Nhà nước nên đòi hỏi cả hệ thống chính trị nói chung và ngành công an nói riêng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để việc triển khai dự án đạt tiến độ đề ra, sớm có một dự án khả thi, được áp dụng trên thực tế.
ĐẶNG NGỌC