Theo các chuyên gia, một trong những đối tượng dễ bị mất việc làm nhất ở thời đại công nghiệp 4.0 chính là công nhân. Robot và máy móc hiện đại sẽ thay thế sức lao động của con người, và để tồn tại không còn cách nào khác công nhân phải luôn sáng tạo, có nhiều cải tiến trong công việc, tránh bị tụt hậu lại phía sau.
Theo các chuyên gia, một trong những đối tượng dễ bị mất việc làm nhất ở thời đại công nghiệp 4.0 chính là công nhân. Robot và máy móc hiện đại sẽ thay thế sức lao động của con người, và để tồn tại không còn cách nào khác công nhân phải luôn sáng tạo, có nhiều cải tiến trong công việc, tránh bị tụt hậu lại phía sau.
Thế nhưng, làm thế nào để phát huy tinh thần sáng tạo của người lao động khi mà các thói quen làm việc cũ, thiếu chuyên nghiệp vẫn tồn tại? Ai sẽ khuyến khích người lao động hăng hái thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và nhất là tạo ra được những phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả?
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cấp Công đoàn trong doanh nghiệp, bởi đây là tổ chức sâu sát nhất đối với người lao động, đồng thời là cầu nối quan trọng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Thực tế từ phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo do tổ chức Công đoàn phát động đã và đang phát huy được tinh thần làm việc hăng say, chịu khó nghiên cứu cải tiến quy trình làm việc của người lao động. Có những cải tiến tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại có tác dụng lớn đối với doanh nghiệp, giúp giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp và có chế độ khen thưởng kịp thời đối với những lao động giỏi đã tác động rất lớn đến tâm thế người lao động khi đến doanh nghiệp làm việc. Nhiều lao động từ chính môi trường làm việc này đã có suy nghĩ khác hơn về công việc của mình, họ không bằng lòng với vị trí đang có mà nỗ lực vươn lên để tìm những cơ hội tốt hơn. Không ít công nhân sau giờ tan ca vẫn miệt mài đến lớp để nâng cao kiến thức, trình độ. Vì vậy, có những công nhân chỉ sau 3-5 năm vào làm việc trong công ty, từ một lao động phổ thông “nhảy” lên làm quản lý bởi chính năng lực của mình.
Rõ ràng, nếu không có sự nỗ lực của bản thân, người lao động rất khó “trụ” lâu dài trong môi trường làm việc ngày càng khắc nghiệt. Nhưng nếu thiếu đi sự quan tâm, động viên từ chủ doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể khác trong doanh nghiệp, người lao động rất khó vươn lên. Tạo ra những phong trào thi đua mang tính lan tỏa, có sức hút sẽ có tác động tích cực đến thái độ và trách nhiệm của mỗi người lao động trong doanh nghiệp. Điều này còn giúp người lao động có tinh thần chủ động hơn trong công việc và nhất là nâng cao được tính chuyên nghiệp, điều mà người lao động Việt Nam hiện còn rất yếu.
Trở thành lao động giỏi sẽ rất khó với những người lười sáng tạo, ít chịu thay đổi nhưng lại là động lực, mục tiêu đối với những người lao động có ý chí vươn lên. Nói như anh Hoàng Anh Tuấn (nhân viên quản lý của Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial), người có rất nhiều sáng kiến, cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp, thì: “Bất kỳ người lao động nào cũng có thể đưa ra những sáng kiến, cải tiến. Điều quan trọng là người lao động dám đề xuất, thực hiện những ý tưởng của mình hay không”.
Minh Ngọc