Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa có văn bản đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai xác minh, làm rõ, kịp thời xử lý theo quy định pháp luật việc một bé gái 14 tuổi ngụ tại TP.Biên Hòa nhiều lần bị chính cha đẻ của mình xâm hại tình dục.
Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa có văn bản đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai xác minh, làm rõ, kịp thời xử lý theo quy định pháp luật việc một bé gái 14 tuổi ngụ tại TP.Biên Hòa nhiều lần bị chính cha đẻ của mình xâm hại tình dục.
Đáng tiếc rằng đây không phải là lần đầu tiên hành vi xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện mà thủ phạm không ai khác lại là người thân quen trong gia đình. Trước đó, đã có những vụ việc tương tự xảy ra, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Thậm chí theo báo cáo của Công an tỉnh, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng, tuy nhiên việc xử lý còn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân được xác định là do phần lớn thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen nên gia đình có con em bị xâm hại ngại trình báo chứ chưa nói đến việc yêu cầu khởi tố. Hơn nữa, do nhân chứng trong các vụ việc này không có nên rất khó để xác minh nếu như việc trình báo quá chậm trễ…
Tuy nhiên, còn một lý do khác khiến cho không ít vụ xâm hại tình dục trẻ em “chìm xuồng” lại đến từ lỗi của các địa phương và những đơn vị chức năng có liên quan trong việc không phát hiện hoặc phát hiện mà cố tình bưng bít thông tin, không muốn đưa ra ánh sáng những trường hợp mất nhân tính này. Vì vậy, có những vụ việc xảy ra đã lâu nhưng không được xử lý khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đối tượng đáng được bảo vệ lại không được bảo vệ một cách kịp thời còn kẻ vi phạm pháp luật đã “cao chạy xa bay” hoặc sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không những không giảm mà còn gia tăng dù hậu quả mà loại tội phạm này để lại rất dai dẳng, đau lòng.
Tại các diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói hàng năm, đã có không ít ý kiến đề nghị pháp luật phải nghiêm mình hơn nữa đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Bởi chính các em là người hiểu rõ nỗi đau mà bạn bè quanh mình không may bị xâm hại. Đó là nỗi ám ảnh suốt cả cuộc đời. Nhiều nạn nhân là trẻ em không dám đến trường. Có em ngại tiếp xúc với tất cả mọi người xung quanh, không dám chia sẻ chuyện khó nói này với ai, thậm chí là cha mẹ mình vì bị đe dọa, ép buộc và xấu hổ. Bao mơ ước bị dập tắt bởi những “yêu râu xanh” đội lốt người.
Xâm hại tình dục mới chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ mà trẻ em dễ gặp phải, nhất là trong dịp hè này. Do đó, làm gì để bảo vệ trẻ em là vấn đề cần có giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả từ trong mỗi gia đình ra đến ngoài xã hội. Tháng Hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm phải thực sự vì trẻ em chứ không nên hô hào chung chung rồi chạy theo những chỉ tiêu thành tích mà người lớn đề ra. Bảo vệ trẻ em chính là đem lại cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Nguyễn Phượng