Những năm gần đây, các cụm từ "mở cửa thị trường nông sản", "hiệp định thương mại tự do", "cách mạng công nghiệp 4.0", "nông nghiệp công nghệ cao"… đã rất quen thuộc với những người quan tâm đến nền nông nghiệp nước nhà, quan tâm đến số phận người nông dân.
Những năm gần đây, các cụm từ “mở cửa thị trường nông sản”, “hiệp định thương mại tự do”, “cách mạng công nghiệp 4.0”, “nông nghiệp công nghệ cao”… đã rất quen thuộc với những người quan tâm đến nền nông nghiệp nước nhà, quan tâm đến số phận người nông dân. Thực tế, nông nghiệp luôn là lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất khi Chính phủ quyết định tham gia hay không tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), bởi đó cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhiều nhất với gần 70% dân số làm nông nghiệp. Nông dân hiện nay luôn phải đối mặt với những trăn trở, suy tư về số phận của chính mình trong vòng xoáy hội nhập: phải làm gì để tồn tại và để tự tin trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt sắp tới? Làm gì khi nông sản làm ra không chỉ để dành bán ở chợ làng? Và phải làm gì khi sạp chợ vỉa hè cũng tràn ngập nấm, trái cây, gia vị… nhập khẩu với mức giá cạnh tranh và chất lượng không thua kém?
Hỏi, tức là đã trả lời. Sau rất nhiều băn khoăn thì có lẽ điều quan trọng nhất không phải là Nhà nước sẽ làm gì để “cứu” nông dân, mà bản thân nông dân phải tự làm mới tư duy của mình mới mong tồn tại. Tư duy đó dĩ nhiên cần sự hỗ trợ của chính sách, của các thành phần kinh tế khác trong xã hội, song trước hết phải bắt nguồn từ cách nghĩ khác của nông dân. Lâu nay, nông dân luôn được coi là những người ở “thế yếu” trong xã hội, do các yếu tố như: điều kiện sống ở nông thôn, tiếp cận thông tin hạn chế, thiếu kỹ năng và kiến thức… Từ cách nghĩ đó mà bao năm qua nông dân thường tự đặt mình ở vị thế bị động, chỉ chờ giải cứu khi nông sản ế, khi bị thiên tai, khi mất mùa, khi bị nông sản ngoại giá rẻ cạnh tranh… Thực sự, nếu không từ bỏ vị thế bị động nói trên để chuyển hoàn toàn qua tư duy chủ động thì không một nhà nước nào đủ sức “ứng cứu” lâu dài.
Nông dân trước xu thế hội nhập hiện nay cần đặt mình vào tư thế là người chủ động, như một doanh nghiệp tính toán làm ăn, mỗi mùa vụ là một dự án hẳn hoi với tất cả những tính toán kỹ lưỡng về vốn liếng, kỹ thuật, xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh… và đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm. Họ cần thuyết phục được những đối tác thực sự: ngân hàng, doanh nghiệp cung ứng giống và nguyên liệu, đối tác tiêu thụ sản phẩm… chịu đầu tư cho sản xuất của mình với một tâm thế hoàn toàn chủ động, chứ không đi “xin”, cũng không “năn nỉ” hay nhờ “hỗ trợ”.
Khi đã ở thế chủ động, nắm thông tin, chịu trách nhiệm với quyết định của mình, giữ chữ tín thì may ra tình trạng mù mờ thông tin đầu ra, chỉ đầu tư theo trào lưu, theo lời thương lái hứa hẹn… mới bớt dần đi. Và khi nhìn nhận theo cách khác, nông dân mới chịu đầu tư lâu dài hơn cho chất lượng và thương hiệu nông sản, tìm cách làm hài lòng những người tiêu dùng khó tính, thay vì đưa ra một quyết định dễ dãi kiểu “chặt chuối trồng tiêu”, “treo chuồng heo nuôi gà” rồi phó mặc số phận và tiền đầu tư cho các thị trường dù dễ tính nhưng cũng đầy bất trắc.
Chưa bao giờ người nông dân bị đặt vào những thử thách lẫn cơ hội nhiều như hiện tại và rõ ràng với 16 FTAs (đã ký và đang đàm phán), rõ ràng nông dân Việt Nam đã ở thế “không có đường lui”. Và dù có khó khăn, có lẽ không còn cách nào ngoài việc thay đổi chính tư duy và làm mới mình thì người nông dân mới có thể đặt mình vào một tâm thế tự tin để cạnh tranh thực sự chứ không chờ ai “giải cứu”.
Kim Ngân