Báo Đồng Nai điện tử
En

"Hàng rào" bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại

10:05, 09/05/2018

Mỗi khi đọc một thông tin về vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo chí đăng tải, hẳn ai trong chúng ta, nhất là những người đã làm cha mẹ, không khỏi bức xúc, xót xa. Huống gì tâm trạng của cha mẹ các bé gái là nạn nhân của các vụ án này.

Mỗi khi đọc một thông tin về vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo chí đăng tải, hẳn ai trong chúng ta, nhất là những người đã làm cha mẹ, không khỏi bức xúc, xót xa. Huống gì tâm trạng của cha mẹ các bé gái là nạn nhân của các vụ án này.

Các bậc cha mẹ sẽ phẫn nộ, đau khổ đến dường nào khi mà đứa con bé bỏng đang còn trong tuổi ăn, tuổi chơi đã sớm trở thành nạn nhân của những tên “yêu râu xanh”. Dù thủ phạm cuối cùng cũng bị pháp luật trừng trị thích đáng nhưng nỗi đau đó, nỗi ám ảnh đó có lẽ sẽ đi theo trẻ và gia đình đến suốt cuộc đời…

Các vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh (trong cả nước nói chung) trong thời gian qua cho thấy, ngoài những nguyên nhân về nhận thức hạn chế, sự suy thoái về đạo đức, cộng thêm yếu tố say rượu, bia còn phải kể đến sự chủ quan, mất cảnh giác trong việc bảo vệ, phòng ngừa nạn xâm hại tình dục cho con em mình từ các bậc làm cha, làm mẹ. Vì mưu sinh, họ không có thời gian bên cạnh quan tâm, chăm sóc con; vì sự chủ quan, mất cảnh giác đã vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu hãm hại con trẻ.

Qua đó mới thấy, “hàng rào” đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ trẻ khỏi hành vi xâm hại tình dục chính là gia đình. Phụ huynh phải luôn lường trước những nguy cơ cho con mình, nhất là trẻ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa hay ở những khu nhà trọ với nhiều thành phần phức tạp. Đối với trẻ nhỏ chưa nhận thức được thì phải luôn để mắt, theo sát; đối với trẻ lớn phải có sự quan tâm hỏi han mỗi ngày.

Quan trọng hơn, cha mẹ phải dạy cho trẻ nhận biết thế nào là các hành vi xâm hại tình dục; những kỹ năng xử lý tình huống, phản ứng khi bị xâm hại. Ngay chính cha mẹ cũng phải bỏ ngay thói quen cưng nựng con thái quá ở những bộ phận “nhạy cảm” của trẻ để tránh tình trạng trẻ nhầm lẫn giữa việc yêu thương và xâm hại.

Các bậc làm cha mẹ cũng cần mạnh dạn tố cáo thủ phạm xâm hại tình dục con em mình, dù thủ phạm đó là người thân, máu mủ ruột rà. Không thể để thủ phạm sống ngoài vòng pháp luật để vẫn tiếp tục là mối đe dọa, nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các nạn nhân.

Những kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ cũng cần triển khai rộng rãi ở các bậc học trong ngành GD-ĐT, ngay cả ở bậc học mầm non. Dù hiện nay ngành GD-ĐT cùng các ngành chức năng của tỉnh cũng đã quan tâm tổ chức các buổi tuyên tuyền về giới tính, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trong các trường học, nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc tuyên truyền này chưa thực sự sâu rộng, chưa trở thành hoạt động thường xuyên trong các trường học.

Trước mắt, nhà trường cần thường xuyên cập nhật thông tin cho học sinh những kỹ năng, kiến thức pháp luật, thủ đoạn của tội phạm để học sinh nâng cao nhận thức, biết tự bảo vệ mình, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ làm bậy. Về lâu về dài, ngành GD-ĐT nên đưa nội dung này vào chương trình chính thức trong trường học.

Có thể nói, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp, môi trường xã hội ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ dễ bị xâm hại nên cần có sự chung tay của cả cộng đồng để phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn này bằng những việc làm cụ thể và thiết thực hơn nữa.

Đơn cử như việc thành lập đường dây nóng quốc gia bảo vệ trẻ em 111 của Bộ Lao động - thương binh và xã hội là một cách làm hay trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành và xâm hại tình dục. Qua đó cơ quan chức năng kịp thời tiếp nhận thông tin để có hướng tư vấn về pháp luật, kiến thức, kỹ năng, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cho cha mẹ khi cần thiết và có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng xử lý thông tin tố giác ban đầu.

Đặng Ngọc

 

Tin xem nhiều