Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ mới hết áp lực?

11:05, 23/05/2018

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ diễn ra với gần 926 ngàn thí sinh trong cả nước dự thi. Sự kiện này không chỉ rất quan trọng đối với ngành giáo dục mà còn thu hút sự chú ý, quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là những gia đình có con tham dự kỳ thi.

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ diễn ra với gần 926 ngàn thí sinh trong cả nước dự thi. Sự kiện này không chỉ rất quan trọng đối với ngành giáo dục mà còn thu hút sự chú ý, quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là những gia đình có con tham dự kỳ thi.

Bắt đầu từ năm 2015, đến nay kỳ thi THPT quốc gia đã dần đi vào ổn định, nề nếp. Ưu điểm lớn nhất của kỳ thi 2 trong 1 này là việc sử dụng kết quả chung để vừa công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Thí sinh và người nhà thí sinh không còn phải đi lại tốn kém mà có thể thi ngay tại các điểm thi ở địa phương mình sinh sống. Công tác chuẩn bị, hướng dẫn cho thí sinh ôn thi cũng như các điều kiện về ăn, ở, đi lại cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều. Điều này góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực cho thí sinh, giúp thí sinh có tâm thế sẵn sàng trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

Nhưng quả thật, nếu nhìn vào lịch ôn tập của những cô cậu lớp 12 thời điểm này sẽ rất... chóng mặt. Bởi ngoài giờ học trên lớp, hầu hết học sinh còn phải đi học thêm ở bên ngoài, thậm chí theo ca kíp, để thu nạp thêm kiến thức cho cuộc vượt vũ môn sắp đến. Đối với những học sinh các trường ngoài công lập, việc ăn, học, ngủ, nghỉ diễn ra ngay tại trường. Học sinh hầu như không có thời gian trống chứ đừng nói gì đến chuyện giải trí hay thư giãn.

Ôn tập ở thời điểm nước rút rất quan trọng, song cũng cần phải khoa học để tránh căng thẳng, mệt mỏi cho học sinh và cả giáo viên. Không ít giáo viên của các trường THPT phàn nàn rằng họ đang chịu khá nhiều áp lực, nhất là việc làm sao đảm bảo được tỷ lệ học sinh vượt qua kỳ thi của lớp, của trường. Vì vậy, bằng trách nhiệm của mình, nhiều giáo viên tìm mọi phương pháp giáo dục cần thiết để ôn tập cho học sinh, kể cả nhồi nhét kiến thức với hy vọng học sinh sẽ lĩnh hội được để vượt qua kỳ thi, trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích.

 Thực tế, kết quả học sinh đậu tốt nghiệp THPT mấy năm gần đây rất cao, có những địa phương, tỷ lệ này lên đến 98-99%. Kể từ khi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm, số lượng học sinh đạt điểm tuyệt đối cũng cao hơn trước rất nhiều. Thế nhưng, chất lượng thực của học sinh như thế nào vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ, nhất là khi không hiếm những học sinh có điểm trúng tuyển cao chót vót nhưng lại không đủ sức theo học ở các trường đại học, buộc phải bỏ học giữa chừng. Trong khi đó, học sinh học nghề, đặc biệt là những nghề kỹ thuật lại rất ít mặc dù nhu cầu của thị trường lao động rất dồi dào.

Sẽ còn nhiều việc phải làm để tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia nhằm giảm áp lực thi cử nhưng trước mắt, thời điểm này ngành giáo dục và toàn xã hội đang dồn sức để kỳ thi diễn ra một cách an toàn, thành công nhất. Nhà trường, giáo viên và phụ huynh cũng cố gắng hết sức để ngay cả những học sinh có học lực yếu cũng có khả năng đậu tốt nghiệp.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều