Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui với nông dân

11:04, 18/04/2018

Những ngày trung tuần tháng 4, 2 huyện Vĩnh Cửu và Cẩm Mỹ đồng loạt đón niềm vui lớn khi tổ chức đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới, nâng tổng số huyện nông thôn mới của Đồng Nai lên 8 đơn vị.

Những ngày trung tuần tháng 4, 2 huyện Vĩnh Cửu và Cẩm Mỹ đồng loạt đón niềm vui lớn khi tổ chức đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới, nâng tổng số huyện nông thôn mới của Đồng Nai lên 8 đơn vị.

Kể từ khi Xuân Lộc trở thành huyện đầu tiên của cả nước về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2015, ngay sau đó là TX.Long Khánh, phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một trong những phong trào quan trọng và được quan tâm nhất của Đồng Nai. Thống kê cho thấy trong 713 đơn vị cấp huyện của cả nước, đến nay đã có 50 đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới. Và cùng với Nam Định, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thì Đồng Nai trở thành một trong 4 địa phương có số đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới nhiều nhất nước.

Trong đó, vui lớn nhất là Vĩnh Cửu. Từ một huyện nông thôn nghèo và nhiều điều kiện khó khăn, Vĩnh Cửu sau mấy năm xây dựng nông thôn mới đã thực sự bứt phá, thể hiện rất rõ trong hiệu quả sản xuất nông sản và thu nhập nông dân. Theo đó, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 122 triệu đồng/hécta. Đặc biệt, một số loại cây trồng cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hécta. Thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh theo từng năm và hiện đạt trên 56 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2,7 lần so với năm 2011. Niềm vui nhân đôi khi năm 2018 cũng kỷ niệm 70 năm thành lập huyện - nơi ghi dấu bao truyền thống yêu nước chống giặc anh hùng và là nơi có Chiến khu Đ lừng lẫy.

Cẩm Mỹ cũng không thua kém khi từ một huyện nghèo được thành lập cách đây gần 15 năm với bao gian khó, khó cả về tài nguyên lẫn nguồn nhân lực, nay đã trở thành một trong 8 đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới của Đồng Nai, với giá trị sản phẩm trên 1 hécta diện tích đất trồng trọt đến năm 2017 đạt gần 131 triệu đồng/hécta và thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt trên 56 triệu đồng. Cẩm Mỹ cũng là địa phương tập trung nhiều vùng chuyên canh nông sản của Đồng Nai, đúng theo tinh thần sản xuất lớn như: 1.400 hécta tiêu, 500 hécta cà phê, 200 hécta sầu riêng, 160 hécta bơ, 640 hécta rau các loại... Trong đó giá trị sản xuất của nhiều vùng đạt từ 200-350 triệu đồng/hécta/năm.

Không thể phủ nhận, dù đó đây vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng vẫn có “bệnh hình thức” trong xây dựng nông thôn mới, song phải nói rằng chưa một phong trào nào có sức mạnh làm thay đổi bộ mặt nông thôn như phong trào này. Hàng chục tiêu chí được cập nhật liên tục khiến cho việc đạt được tiêu chí nông thôn mới càng lúc càng không dễ dàng, và thực tế thu nhập của chính người nông dân cũng tăng lên đáng kể sau nhiều năm theo đuổi phong trào. Chính vì vậy, Đồng Nai không dừng ở việc đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, mà còn là nơi đầu tiên cả nước đặt vấn đề xây dựng nông thôn mới nâng cao. Về sau này, Chính phủ cũng xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó Xuân Lộc được chọn là một trong số ít địa phương thí điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao dựa trên bộ tiêu chí khắt khe này.

Vui với nông dân và tự hào về những gì Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu (trước đó có 6 huyện, thị của tỉnh) đã làm được, nhưng ai cũng hiểu rằng thực tế đòi hỏi nông thôn không thể giậm chân tại chỗ, trái lại cần thay đổi thật nhanh để kịp với thời đại, kịp với sự mở cửa của thị trường nông sản, kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi đứng sau sự thay đổi đó là cuộc đời của hàng chục triệu nông dân. Mong rằng, phong trào này sẽ là phong trào bền vững và thiết thực nhất từ nay về sau, không phải chỉ dừng ở chỗ thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn làm được điều cốt lõi nhất: nâng cao đời sống nông dân.

Vi Lâm

Tin xem nhiều