Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời đại Hùng Vương và truyền thống dân tộc

10:04, 23/04/2018

Lâu nay, sự tồn tại về Nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc ta thỉnh thoảng vẫn gây tranh cãi trong giới khoa học. Một số nhà khoa học "tháp ngà", nhất là học giả Trung Quốc, phủ nhận sự tồn tại của các vị vua Hùng, phủ nhận lịch sử hơn 4 ngàn năm văn hiến của nước ta bởi cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu ghi chép nào của thời đại này.

Lâu nay, sự tồn tại về Nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc ta thỉnh thoảng vẫn gây tranh cãi trong giới khoa học. Một số nhà khoa học “tháp ngà”, nhất là học giả Trung Quốc, phủ nhận sự tồn tại của các vị vua Hùng, phủ nhận lịch sử hơn 4 ngàn năm văn hiến của nước ta bởi cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu ghi chép nào của thời đại này.

Làm sao có thể tồn tại tư liệu khi nước ta trải qua gần ngàn năm Bắc thuộc, và các triều đại phong kiến phương Bắc luôn tìm mọi cách để đồng hóa dân Việt? Tư liệu văn bản nào có thể sót lại sau những trận “càn quét” sách vở, ghi chép cùng chính sách ngu dân, triệt tiêu văn hóa của nhà Minh trong 20 năm đô hộ nước ta? Tuy nhiên, có những “chứng cứ” không bằng văn bản nhưng hùng hồn, sống động về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương, đó là một nền văn hóa lớn được gìn giữ, lưu truyền qua hàng ngàn năm bất chấp chiến tranh cũng như những biến đổi lớn lao của xã hội.

Đỉnh cao của nền văn hóa thời đại Hùng Vương có thể nói chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những đặc trưng có lẽ là duy nhất trên thế giới, tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm nay. Bởi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là văn hóa tâm linh và đức tin mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn những bậc tiền nhân, là truyền thống cốt lõi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các vua Hùng đã trở thành biểu tượng cho cội nguồn và sức mạnh của dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương còn thể hiện một hệ thống ý thức đoàn kết giữa đất nước và dân tộc là bởi vừa có ý chí của Nhà nước (xây dựng đền thờ, sắc phong) vừa có sự tham gia tự nguyện của người dân “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Theo thống kê, đến nay có gần 1.500 cơ sở thờ Hùng Vương trong khắp cả nước và cả ở nước ngoài. Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thời đại Hùng Vương còn để lại truyền thống tri ân các bậc anh hùng chống ngoại xâm, những người giúp dân khắc phục thiên nhiên, đem lại đời sống tốt đẹp, no ấm cho người dân… là cách đối nhân xử thế mang tính nhân văn rất cao của dân tộc Việt. Những vị thần linh, nhân thần trong thời đại Hùng Vương được nhân dân ngưỡng vọng, thờ cúng (Thánh Gióng, Thần Tản Viên, Lang Liêu, Chử Đồng Tử - Tiên Dung, 3 anh em ruột họ Phan ở Cao Xá có công đánh giặc Ân cứu nước, Lã Đại Liêu có công chống ngoại xâm…) đều đại diện cho những giá trị tốt đẹp trong xã hội được cộng đồng ghi nhận, đề cao.

Thời đại Hùng Vương cũng để lại cho dân tộc Việt 2 tiếng “đồng bào” thiêng liêng, từ đó xây dựng và phát huy truyền thống nhân ái, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau giữa những con dân Việt.

Xã hội Việt Nam hiện đại đã khác xa với xã hội thời đại Hùng Vương với những tiến bộ vượt bậc về khoa học - kỹ thuật, công nghệ; với những cơ cấu, thiết chế và quan hệ xã hội mới. Nhưng những truyền thống, giá trị tốt đẹp từ thời đại Hùng Vương vẫn được gìn giữ và sẽ tiếp tục lưu truyền cho con cháu mai sau, đặc biệt là tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, như lời đúc kết của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

HÀ LAM

Tin xem nhiều