Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi thế mạnh là rào cản

11:04, 29/04/2018

Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ... từ lâu đã là thế mạnh của Việt Nam trong việc kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư làm ăn.

Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ... từ lâu đã là thế mạnh của Việt Nam trong việc kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư làm ăn. Thế nhưng, giờ đây đó không còn là ưu thế, mà ngược lại rất có thể sẽ là rào cản lớn cho quá trình phát triển, hội nhập nếu như lực lượng lao động ấy đông nhưng trình độ thấp, tay nghề hạn chế và thiếu tính chuyên nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thu hẹp cơ hội việc làm của người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông làm việc theo dây chuyền ở một số ngành nghề như: may mặc, giày da.

Theo PGS-TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có đến 86% số lao động ở 2 ngành nghề này đối mặt nguy cơ mất việc làm trong tương lai không xa bởi máy móc sẽ thay thế hoàn toàn sức người. Vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị thật nghiêm túc, rất nhiều người Việt Nam sẽ thất nghiệp và cơ hội tìm kiếm công việc mới khá khó khăn, nhất là đối với lao động lớn tuổi.

Tại cuộc họp lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét lại việc cấp phép đầu tư cho những doanh nghiệp tuyển dụng đông lao động, bởi doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thường là những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu làm gia công. Hơn nữa, qua một số vụ việc xảy ra gần đây trong doanh nghiệp, nhất là vụ chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom) bỏ trốn, nợ lương công nhân đã “vỡ” ra nhiều điều, trong đó lo ngại nhất vẫn là chất lượng lao động còn hạn chế, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao. Điều này đặt ra câu hỏi về công tác đào tạo nghề đặc biệt là những kỹ năng cho người lao động khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần.

Thực ra, người lao động của thị trường Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa được chuẩn bị gì nhiều trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi, chỉ cần qua các phiên giao dịch việc làm cũng có thể thấy số lượng lao động có trình độ, tay nghề đến tìm việc rất ít, phần lớn vẫn là lao động phổ thông, thậm chí có thời điểm doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông vô điều kiện, tức là không có đòi hỏi gì về chuyên môn, chấp nhận chi phí đào tạo lại. Người lao động nghiễm nhiên được tuyển dụng vào làm việc mà không cần phải học hành bài bản qua một trường lớp nào.

Thị trường lao động dễ dãi đã sản sinh ra những lao động có trình độ thấp. Muốn “siết” lại thị trường này để sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều đơn vị có liên quan, từ đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp tuyển dụng đến nhà cung cấp lao động. Không thể đòi hỏi người lao động chủ động khi cung - cầu về lao động phổ thông vẫn còn cao.

Lẽ dĩ nhiên, với những lao động trẻ đang muốn tìm một việc làm phù hợp, có thu nhập tốt và ngay cả những lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, nếu không muốn mất việc trong tương lai phải ý thức vị trí việc làm của mình, từ đó rèn luyện, học tập thêm. Tuy nhiên, họ rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể và bản thân doanh nghiệp để có thêm động lực và sự tự tin để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều