Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi giấc mơ làm giàu tan vỡ...

11:04, 22/04/2018

Có lẽ khó có hình ảnh nào đại diện cho "những giấc mơ làm giàu tan vỡ" điển hình hơn những khu dân cư không bóng người nhan nhản khắp nơi mà cơn "sốt" đất cách đây 10 năm từng "càn quét".Hậu quả của lần vỡ "bong bóng" bất động sản những năm 2008-2011 thật khó mà kể hết.

Có lẽ khó có hình ảnh nào đại diện cho “những giấc mơ làm giàu tan vỡ” điển hình hơn những khu dân cư không bóng người nhan nhản khắp nơi mà cơn “sốt” đất cách đây 10 năm từng “càn quét”.Hậu quả của lần vỡ “bong bóng” bất động sản những năm 2008-2011 thật khó mà kể hết. Chẳng hạn như những đại án ngân hàng đang xét xử ngày nay, khiến hàng trăm người vào vòng lao lý thực ra cũng là kết quả của những bong bóng tài chính được “bơm” lên vào giai đoạn trước để các doanh nghiệp sân trước, sân sau vay tiền kinh doanh nhà đất. Tư duy làm giàu nhanh chóng kiểu sau 1 đêm giá đất dựng đứng, tiền tỷ bỏ túi khiến bao nhiêu người lao theo cơn “sốt” đất. Không đủ vốn liếng, họ sẵn sàng đi vay ngân hàng, tệ hơn nữa là vay tiền tín dụng “đen” để mua đất đầu cơ vì đinh ninh chỉ sau một thời gian ngắn giá đất có thể tăng lên 100-200%, thậm chí hơn nhiều lần nữa, và họ sẽ có đủ tiền trả nợ.

Cơn “sốt” đất qua đi, thị trường bất động sản chính thức vỡ trận vào năm 2011-2012, tại Đồng Nai nói riêng, những mộng tưởng về một “thành phố mới Nhơn Trạch”, “thành phố thông minh tại Long Thành”… đến nay còn chưa nên vóc nên hình, song những “đại gia” ngày ấy tán gia bại sản không hề hiếm.

Tại Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa…, rất dễ thấy những khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng nhiều năm, mua đi bán lại qua vài ba chủ, song cho đến nay vẫn đìu hiu không một bóng người, hoặc những khu đất rộng lớn đã có đường giao thông được phân lô, bán nền sau nhiều năm người ở vẫn lác đác. Ai là người chịu hậu quả cho tất cả những lần “sốt” đất - vỡ trận đó? Xét ở góc độ cá nhân thì đó chính là người cuối cùng trong chuỗi mắt xích mua - đầu cơ - bán - mua…, bởi chính họ sẽ phải trả giá khi nhà đất không thể thanh khoản được khi cơn “sốt” hạ.

Người dân Biên Hòa đến nay vẫn còn kể tên vài “đại gia” ngành giày dép, xe hơi ngày ấy “ôm” cả ngàn hécta đất Long Thành, vay nợ ngân hàng rồi không trả được, người tán gia bại sản, kẻ vào tù khi “cơn mộng đã tan”. Và hậu quả không dừng ở một cá nhân hay một gia đình, mà như hiệu ứng domino, sẽ gây nợ xấu ở ngân hàng, ngân hàng gặp khó khăn làm thanh khoản yếu nên huy động vốn với lãi suất cao, nhiều người đi vay tiền ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác, Nhà nước can thiệp, doanh nghiệp khác vạ lây, và khi điều này diễn ra trên diện rộng thì hiển nhiên cả nền kinh tế đều bất ổn. Vậy nên quốc gia nào cũng luôn tìm cách ngăn ngừa các cơn sốt bất động sản vì không ai biết chúng sẽ “vỡ” khi nào.

Đáng ngại là ở thời điểm này, bất chấp những nỗ lực quản lý của Nhà nước, tại Đồng Nai nói riêng và nhiều tỉnh, thành khác nói chung dường như đang âm thầm diễn ra những cơn “sốt” đất. Đất đai ở Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Trảng Bom… từ cuối 2017 đến nay đã tăng đáng kể, thậm chí tăng gấp 2-3 lần ở những vùng có quy hoạch các dự án lớn. Chưa ai thống kê được nhu cầu ở thực sự của phân khúc nhà đất trung cấp và cao cấp, song rà soát lại, hàng trăm khu dân cư đã và đang được quy hoạch đều nhắm vào phân khúc này.

 Thống kê cho thấy hiện Đồng Nai quy hoạch 304 dự án khu dân cư thương mại, trong đó 51 dự án đã hoàn thành và 180 dự án đang xây dựng. Riêng những dự án đang xây dựng đã có tổng diện tích gần 8.700 hécta. Và huyện Nhơn Trạch là nơi quy hoạch nhiều dự án khu dân cư nhất tỉnh với 78 dự án có tổng diện tích gần 4.700 hécta.

Điều đó có lẽ hơi đáng ngại, bởi theo nhiều chuyên gia, phần lớn nhu cầu ở thực sự của xã hội tập trung ở phân khúc nhà đất có giá trung bình và thấp, vậy hàng trăm khu dân cư trung - cao cấp kể cả khi nhà đầu tư có tiền làm hạ tầng hoàn chỉnh, sẽ bán cho ai? Nếu chỉ phục vụ giới đầu cơ mua đất làm giàu thì hậu quả tất yếu sẽ hiện ra khi giấc mơ làm giàu tan vỡ…

Kim Ngân

Tin xem nhiều