Quan sát kỹ một số hiện tượng sốt giá đất nền, đất nông nghiệp tại những khu vực có nhiều dự án hạ tầng sắp triển khai hoặc chỉ mới đang… nằm trên giấy, dễ dàng nhận thấy cả người bán lẫn người mua đều đang đặt mình vào vị trí "lầy" với pháp luật. Vì sao như thế? Vì họ biết sai mà vẫn làm.
Quan sát kỹ một số hiện tượng sốt giá đất nền, đất nông nghiệp tại những khu vực có nhiều dự án hạ tầng sắp triển khai hoặc chỉ mới đang… nằm trên giấy, dễ dàng nhận thấy cả người bán lẫn người mua đều đang đặt mình vào vị trí “lầy” với pháp luật. Vì sao như thế? Vì họ biết sai mà vẫn làm.
Thực tế, tình trạng pháp lý của nhiều mảnh đất đã và đang được rao bán tại TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ… là có vấn đề. Rất nhiều mảnh đất được rao bán hoặc là đất nằm trong quy hoạch dự án, đất thuộc đất trồng lúa (không được chuyển mục đích sử dụng nếu không được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ), đất nông nghiệp không được phép phân lô bán nền… Song giá đất vẫn bị “thổi” lên, sang tay, “lướt sóng” qua nhiều người và manh nha biến thành “bong bóng” bất động sản nếu không sớm được kiểm soát.
Nhu cầu thực của bất động sản, nói cho cùng là nhu cầu ở, đầu tư (lâu dài), đặt cơ sở làm ăn buôn bán, xây dựng các công trình dự án theo quy hoạch đã được duyệt… và thực tế cho thấy những nhu cầu thực sự này có tăng theo thời gian, song tăng không nhiều. Ở nơi nào mà chỉ sau một thời gian ngắn đất đai sang tay liên tục, người dân “sôi sùng sục” với giá đất tăng theo ngày và diễn ra tình trạng “người người làm cò đất”, thì rõ ràng cần đến bàn tay kiểm soát cứng rắn của chính quyền để tránh hệ lụy về sau.
Về cơ bản, sau những lần “lướt sóng” của dân đầu cơ đất kiếm lãi dịu đi (thường là trong ngắn hạn), thì người sở hữu cuối cùng của mảnh đất đó sẽ “lãnh đủ” bởi miếng đất đã mua không thể xây nhà, không thể sử dụng kinh doanh buôn bán nếu đất đó không thể tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở (hoặc đất thương mại - dịch vụ) ít nhất trong vòng 5 năm, khi chưa đến chu kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Đáng nói là để bán được đất, nhiều cò đất đang sử dụng nhiều chiêu mới: công chứng hợp đồng mua bán đất tại các văn phòng công chứng, nhờ luật sư chứng nhận, nhờ văn phòng thừa phát lại tiến hành lập vi bằng cho hoạt động mua bán đất… chứ không chỉ đơn giản là mua bán bằng hợp đồng viết tay (giấy tay) như trước. Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm cho người mua thêm phần tin tưởng (nếu thực sự họ không biết), chứ không đảm bảo rằng miếng đất họ mua đủ điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, cấp sổ đỏ… Thậm chí nhiều “cò” còn xúi người mua cứ mua “liều”, xây nhà “liều”, hứa hẹn sau này “Nhà nước sẽ hợp thức hóa thành khu dân cư”. Đây là lời… xúi dại mà người mua không nên nghe theo, bởi Luật Đất đai và nhiều quy định khác đã thay đổi rất nhiều, người dân không thể làm sai rồi đòi hỏi Nhà nước phải hợp thức hóa cái sai đó, và đó là một dạng “chơi lầy”.
Xét đến cùng, người mua bất động sản dù để đầu cơ hay sinh sống lâu dài chính là người có quyền quyết định mua hay không mua một mảnh đất có quá nhiều may rủi, và do đó, phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ càng để tránh thiệt hại cho chính mình đồng thời gây hại cho cái chung.
Vi Lâm