Năm 2018, Bộ Công thương đã chọn chủ đề Tiêu dùng bền vững cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3).
Năm 2018, Bộ Công thương đã chọn chủ đề Tiêu dùng bền vững cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3).
Những năm trước, các chủ đề thường nhấn mạnh vào trách nhiệm của nhà sản xuất đối với xã hội và với người tiêu dùng. Song năm nay, khái niệm “tiêu dùng bền vững” lần đầu được đề cập chính thức tại Việt Nam, nhắc nhở về trách nhiệm của chính những người tiêu dùng rằng, thông qua việc lựa chọn mua và dùng hàng hóa, họ có thể gây tác động tích cực hoặc tiêu cực lên chính sự an toàn của thế giới mà họ đang sống.
Theo nhiều nguồn tài liệu, vào năm 1994, các nhà khoa học lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tiêu dùng bền vững. Theo đó, tiêu dùng bền vững được hiểu là “việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại chất lượng sống tốt hơn mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai, tức là giảm tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại cũng như việc phát sinh chất thải và chất ô nhiễm”.
Thế giới ngày nay với sự phát triển vượt bậc của sản xuất hàng hóa đã làm nảy sinh “chủ nghĩa tiêu dùng” với nhiều mức độ ý nghĩa khác nhau. Nhiều người không còn dừng ở mức độ chỉ tiêu dùng những sản phẩm thiết yếu cho đời sống nữa, thay vào đó, mua gì và dùng gì giúp họ “định danh” mình trong cuộc sống, trong xã hội và do đó, hành vi tiêu dùng vượt lên trên ý nghĩa thuần túy của nó và mang lại những giá trị lớn lao hơn. Có tốt, có xấu, song không thể phủ nhận chủ nghĩa tiêu dùng đã và sẽ luôn tồn tại trong xã hội, và người tiêu dùng có quyền lực rất lớn trong việc định hướng nhà sản xuất, trong việc họ sản xuất ra hàng hóa từ đâu, có gây hại cho xã hội, con người hay môi trường sống hay không. Vậy nên có thể nói không ngoa rằng, chính người tiêu dùng bằng nhận thức và quyền lực của mình sẽ góp phần lớn trong việc bảo vệ trái đất và môi trường sống của chính mình một cách bền vững.
May mắn là theo thời gian, nhận thức của người tiêu dùng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã trở nên cao hơn, sáng rõ hơn. Những trào lưu tẩy chay các sản phẩm mà quá trình sản xuất của chúng gây hại cho môi trường sinh thái, hoặc các sản phẩm có bao bì không thể phân hủy hay tái chế… ngày càng nhiều hơn. Các nhà sản xuất tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam đã phải ghi chú rất rõ những thông tin về nguồn gốc, vật liệu, khả năng tái chế bao bì… trên từng sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn. Nhiều sản phẩm bị từ chối không phải do chất lượng kém, mà do người mua nhận thức được rằng quá trình sản xuất sản phẩm, nhà sản xuất đã không quan tâm và tuân thủ đúng các nguyên tắc bảo vệ môi trường.
Một hành vi chọn mua hay không mua một sản phẩm từ nguyên nhân nói trên, có thể rất nhỏ bé. Tuy nhiên, những người tiêu dùng có nhận thức cao đều hiểu rằng, chọn lựa từ chối một sản phẩm gây hại cho môi trường, chính là góp phần bảo vệ cuộc sống của họ và những thế hệ mai sau. Chính vì vậy, tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự thông minh về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm. Tất cả đều nhằm mục đích giữ cho môi trường sống tồn tại một cách bền vững cho mai sau.
Vi Lâm