Đúng khẩu vị, hợp truyền thống và văn hóa lễ, tết là những ưu thế khiến hàng Việt Nam chiếm lĩnh các kệ hàng tết năm nay, từ siêu thị, trung tâm thương mại đến các chợ lẻ, cả ở thành thị lẫn thôn quê.
Đúng khẩu vị, hợp truyền thống và văn hóa lễ, tết là những ưu thế khiến hàng Việt Nam chiếm lĩnh các kệ hàng tết năm nay, từ siêu thị, trung tâm thương mại đến các chợ lẻ, cả ở thành thị lẫn thôn quê.
Các chi nhánh siêu thị lớn như Co.op Mart, BigC hay Lotte Mart tại Đồng Nai đều khẳng định hàng Việt Nam chiếm 90-95% cơ cấu hàng hóa trong mùa mua sắm lớn nhất năm này. Những mặt hàng trong nước được ưa chuộng trải đều từ may mặc, gia dụng, hóa phẩm, thực phẩm tươi sống và chế biến đến các loại đặc sản địa phương… Quan sát cho thấy hàng Việt trên các kệ hàng tết chủ yếu vẫn là hàng của những tập đoàn liên doanh lớn, với sự chuyên nghiệp và chỉnh chu từ khâu thiết kế bao bì đến chất lượng và giá cả. Song, hàng hóa “thuần Việt” với thương hiệu 100% vốn trong nước cũng có nhiều cải tiến đáng ghi nhận: giá cả hợp lý, chất lượng tốt và bao bì chỉnh chu hơn. Dễ thấy nhất là hàng may mặc và thực phẩm. Những thương hiệu lớn như: Vinamilk, Kinh Đô, Bibica, Phạm Nguyên, Vissan, các nhãn hàng của Tập đoàn Masan… hiện đang chiếm lĩnh “mặt tiền” nhiều kệ hàng, ở vị trí đẹp và tiện lợi nhất. Các hãng may mặc lớn nhỏ trong nước, như: Việt Tiến, Nhà Bè, Hagatini, Việt Thắng, Phương Đông, Ninomaxx, Ivy, Hnoss, Blue Exchange… ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và đang “bung” khuyến mãi hết cỡ cho mùa tết.
Nhưng thành thật mà nói, mùa tết - mùa mua sắm lớn nhất năm, đậm tính truyền thống - thì hàng Việt Nam được chọn mua nhiều hơn là điều dễ hiểu, song nếu tính đường dài, hàng Việt còn phải cố gắng nhiều hơn trong bối cảnh cạnh tranh gắt gao này. Thực tế, sự “co kéo” vị trí ưu tiên trong lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng giữa hàng nội - hàng ngoại luôn là điều khiến các nhà sản xuất đau đầu nhất. Chỉ cần quan sát những vị trí đẹp nhất trên một kệ hàng điển hình trong siêu thị hay trong các chợ truyền thống lớn, là có thể đánh giá vị trí thực sự của những nhãn hàng, biết người tiêu dùng đang chuộng những mặt hàng nào, do ai sản xuất. Nhiều năm nay, các tập đoàn lớn của Việt Nam đã và đang nỗ lực để ghi dấu tên tuổi trên thị trường, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, và những cái tên lớn như Masan, Vinamilk hay Vissan đã tự tin xuất hiện ở vị thế trang trọng nhất, cạnh tranh trực tiếp với những tập đoàn “cá mập” như P&G hay Unilever. Song, đó không phải là câu chuyện quá phổ biến bởi rất nhiều nhà sản xuất hàng hóa trong nước vẫn đã và đang vật lộn để giành cho mình một vị trí, dù là nhỏ bé, trên thị trường trong cơn lốc hàng Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…
Từ năm 2018 trở đi, hàng trăm mặt hàng nhập khẩu từ khối ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất bằng 0%, và tiếp đến là hàng từ Hàn Quốc, Liên minh châu Âu… cùng nhiều quốc gia khác vào Việt Nam cũng có thuế nhập khẩu giảm dần về 0% theo đúng các cam kết đã ký trong khuôn khổ các hiệp định song và đa phương về thương mại. Lúc này, sự cạnh tranh giành những vị trí đắt đỏ nhất trên các kệ hàng hẳn sẽ còn khốc liệt hơn và khó có chỗ cho những nhà sản xuất “yếu cơ”. Lúc này, ngay cả những mùa mua sắm đậm tính truyền thống như Tết Nguyên đán cũng sẽ là cơ hội cạnh tranh lớn của hàng nhập khẩu, vốn thừa kinh nghiệm về văn hóa kinh doanh của các thị trường mới nổi. Đó cũng là điều băn khoăn lớn nhất với những ai “tâm tư” cùng hàng Việt, bởi đi đường dài trong con đường chiếm lòng tin người tiêu dùng mới là quan trọng, mới là kế lâu dài.
Vi Lâm