Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn minh từ điều tưởng như nhỏ

10:12, 13/12/2017

Cách đây gần 10 năm, chương trình phân loại rác tại nguồn chính thức được triển khai tại Đồng Nai với sự hào hứng của người dân khi hàng loạt các thùng rác miễn phí được phân phát đến từng hộ gia đình.Yêu cầu thực ra khá đơn giản: từng gia đình chỉ cần phân loại ra: rác hữu cơ (thức ăn thừa, vỏ rau củ quả, bánh mì, cơm, bún…) và rác vô cơ (nhựa, ny-lông, sắt, thép…) và để đúng vào thùng rác chứa từng loại theo quy định.

Cách đây gần 10 năm, chương trình phân loại rác tại nguồn chính thức được triển khai tại Đồng Nai với sự hào hứng của người dân khi hàng loạt các thùng rác miễn phí được phân phát đến từng hộ gia đình.Yêu cầu thực ra khá đơn giản: từng gia đình chỉ cần phân loại ra: rác hữu cơ (thức ăn thừa, vỏ rau củ quả, bánh mì, cơm, bún…) và rác vô cơ (nhựa, ny-lông, sắt, thép…) và để đúng vào thùng rác chứa từng loại theo quy định.

Hành vi dù nhỏ, song lại tiết kiệm được rất nhiều công phân loại cho những người lấy rác, dễ xử lý và vô cùng có lợi cho môi trường vì rác hữu cơ sẽ được chuyển thẳng đến những nơi xử lý, có thể dùng làm phân bón hoặc tự hủy. Trong khi đó, rác vô cơ khi đã được phân loại bước đầu thì dễ dàng xử lý hoặc tái chế, hoặc tiêu hủy. Sự đóng góp tưởng như dễ dàng đó, trên thực tế lại khá khó khăn khi nhiều năm qua đi, người dân không còn mặn mà với việc thay đổi thói quen nhỏ để làm lợi cho môi trường nữa. Thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường) cho thấy hiện khối lượng chất rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.613 tấn/ngày. Lượng chất thải này có thành phần phức tạp và hầu như chưa được phân loại tại nguồn gây khó khăn trong việc xử lý chất thải. Thực tế, thay đổi một thói quen dù nhỏ trên một cộng đồng lớn là điều không dễ dàng. 

Theo nhiều tài liệu, các quốc gia phát triển trên thế giới hiện đã thực hiện rất nghiêm ngặt quy định phân loại rác tại nguồn. Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Singapore… đã mất nhiều năm và tốn kém nhiều chi phí chỉ để tạo cho người dân trách nhiệm với môi trường ở mức đơn giản và dễ dàng nhất. Việc phân loại rác tại Nhật Bản còn phức tạp hơn nhiều khi nhiều địa phương buộc người dân không chỉ phân rác thành 2 loại vô cơ/hữu cơ như Việt Nam đang thực hiện, mà còn phải chia rác ra làm nhiều loại: loại đốt được và không đốt được, loại có thể làm phân bón hữu cơ, các loại nhựa theo quy định… Và, tại nhiều quốc gia, người dân sẽ bị phạt nếu không chủ động thực hiện đúng khâu phân loại rác tại nguồn.

Đồng Nai vẫn đang tiếp tục thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi toàn tỉnh với những kế hoạch mới về tuyên truyền, hướng dẫn. Trách nhiệm của chính quyền đã thấy, song về phía người dân, nên chăng cũng cần có những chế tài phù hợp để họ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Vi Lâm

Tin xem nhiều