Sẽ còn 18 ngàn hécta đất trồng lúa nước (tính đến năm 2020) ở Đồng Nai buộc phải giữ lại nhằm đảm bảo an ninh lương thực theo quy định của Chính phủ so với 3,2 triệu hécta trồng lúa trong cả nước.
Sẽ còn 18 ngàn hécta đất trồng lúa nước (tính đến năm 2020) ở Đồng Nai buộc phải giữ lại nhằm đảm bảo an ninh lương thực theo quy định của Chính phủ so với 3,2 triệu hécta trồng lúa trong cả nước.
Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tính toán, có thể đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất khẩu gạo rất ít, chủ yếu chỉ đủ dùng trong nước. Do đó, giữ lại đất lúa là một trong những chương trình lớn được cho là “khó khoan nhượng ” của Chính phủ, dù có nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải giữ lại quá nhiều diện tích đất trồng lúa bởi cây trồng này không đem lại lợi nhuận cao bằng nhiều loại cây công nghiệp hoặc cây ăn trái khác.
Bài học từ Indonesia và Philippines cho thấy, những chính sách giảm đất lúa trong nhiều năm đã khiến 2 quốc gia này từ chỗ có thể tự túc được lúa gạo, lại phải nhập khẩu gạo. Cả 2 nước đã dùng nhiều năm với nhiều chính sách khác nhau nhằm khôi phục đất lúa, song cho đến nay vẫn chưa thành công. Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, bỏ cây lúa dễ, song khôi phục lại cây lúa lại là cả một vấn đề, do đó ngay từ đầu, những chính sách của Chính phủ về vấn đề này phải rất nghiêm ngặt.
Giữ lại đất lúa thì đã rõ, song cũng cần nhiều phương án để gia tăng giá trị cho cây lúa và đem lại đồng lời nhiều hơn cho nông dân trồng lúa mới là cách giữ bền vững nhất. Qua hàng chục năm, Việt Nam luôn đứng tốp trên những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, song điều đáng buồn là hạt gạo Việt Nam gần như chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia lẫn thương hiệu riêng, mà vẫn bán đại trà với lợi nhuận thấp. Vì vậy, để người dân trung thành với cây lúa và chấp thuận chủ trương giữ gìn đất lúa, việc liên kết sản xuất lớn - sản xuất sạch đúng chuẩn - xây dựng thương hiệu - tìm đầu ra bền vững là điều mà Chính phủ cần hỗ trợ người trồng lúa, một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhất là giữa thời buổi “tấc đất, tấc vàng” để nhiều nông dân trồng lúa không “chạnh lòng” khi phải gắn bó với cây lúa vốn cho lợi nhuận thấp.
Tại Đồng Nai, vấn đề nâng tầm, nâng chất cho cây lúa càng trở nên bức bách hơn khi đặt cây lúa trong tương quan so sánh với nhiều loại cây trồng lợi nhuận cao khác. Để người dân an tâm trồng lúa, nhiều chính sách đã được triển khai, trong đó quan trọng nhất là xây dựng cánh đồng lớn để làm ra gạo sạch. Trong 14 dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt thì đã có 2 dự án cánh đồng lớn cho cây lúa tại xã Phú Điền (huyện Tân Phú) và dự án tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). Ngoài ra, nhiều dự án cánh đồng lớn cho cây lúa khác cũng đang được tập trung triển khai tại nhiều địa phương, như: Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ... Nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng thời gian tới, chắc chắn phải là gạo ngon, gạo sạch. Chính vì vậy, liên kết sản xuất lúa gạo phải hướng đến việc làm ra hạt gạo sạch không hóa chất cho thị trường.
Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp và tập đoàn tư nhân cũng đã tham gia vào sản xuất lúa sạch và bước đầu đã có thành quả là dòng gạo VietGAP, gạo organic… bán trong nước và xuất đi Nhật Bản cùng một số quốc gia phát triển khác. Mặc dù so với toàn cục, những thành công này chưa quá phổ biến, nhưng chắc chắn đó là những ví dụ sinh động cho thấy, chỉ cần đi đúng hướng, một loại cây lương thực lâu nay mang tiếng “nghèo” về lợi nhuận, vẫn có thể bán giá cao. Khi và chỉ khi cây lúa được nâng tầm, gạo sạch bán chạy và lợi nhuận cao, việc giữ lại đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực mới được thực hiện một cách dễ dàng, tự nguyện.
Vi Lâm