Chiều 19-11, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt cùng với những comment đầy bức xúc.
Chiều 19-11, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt cùng với những comment đầy bức xúc. Clip ghi lại cảnh một cảnh sát giao thông (CSGT) ra tín hiệu yêu cầu dừng đối với chiếc xe ô tô 4 chỗ biển số Hà Nội do một phụ nữ trẻ điều khiển, nhưng nữ tài xế không những không chấp hành mà còn có hành vi vượt lên, sau đó cố tình lái xe đi về phía trước. Bức xúc nhất là cảnh người phụ nữ này nhiều lần điều khiển xe đâm vào chân CSGT khiến anh phải liên tục lùi lại. Khi CSGT kiên trì yêu cầu tấp xe vào lề đường, nữ tài xế thản nhiên nói: “Đã bảo đang bận rồi, mai quay lại”. Hành vi coi thường pháp luật nói trên đã khiến người dân xung quanh cũng bức xúc, vây quanh xe khuyên can và yêu cầu nữ tài xế xuống xe chấp hành liệu lệnh của CSGT thì “tiểu phẩm” này mới chấm dứt.
Thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện không ít clip ghi lại những hình ảnh vi phạm giao thông, nhưng clip nói trên “thu hút” người xem bởi sự coi thường pháp luật và thiếu ý thức giao thông của nữ tài xế trẻ đã lên đến đỉnh điểm.
Có lẽ chưa bao giờ tình trạng thiếu ý thức, thiếu văn hóa của người tham gia giao thông đáng báo động như hiện nay. Xe cộ tranh nhau từng bước, không hề nhường nhịn, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, lấn tuyến, “tạt mặt” nhau… Ấy là chưa kể đến tình trạng đua xe bất chấp tính mạng người đi đường. Có thể nói, đây không chỉ là sự yếu kém về văn hóa trong giao thông mà thực sự là sự suy thoái trong văn hóa ứng xử giữa người với người, tạo ra một xã hội giao thông hỗn loạn thật xấu xí.
Đừng xem sự thiếu ý thức trong văn hóa giao thông ở nước ta là “chuyện trong nhà” nữa. Năm 2016 trong chuyến thăm Việt Nam, tại buổi nói chuyện trước hàng ngàn người ở Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama đã nói một cách hài hước nhưng rất đáng để suy ngẫm, đại ý rằng: đường phố Hà Nội có rất nhiều xe máy, tôi chưa bao giờ nhìn thấy ở đâu như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ thử đi ngang qua đường. Sau này nếu có dịp trở lại Việt Nam, các bạn hãy chỉ cho tôi cách... qua đường như thế nào! Trước đó, tháng 11-2014 trong chuyến đến Việt Nam, danh thủ bóng đá Beckham đưa lên facebook hình ảnh một phụ nữ Việt chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở con ở tư thế nguy hiểm lại còn buông tay lái để chụp ảnh anh bằng điện thoại. Beckham đã bình luận: “I’m all for fans taking a picture but not sure this is the safest way to do it!” (Tôi luôn sẵn sàng để các fan hâm mộ chụp hình, nhưng đây không phải là cách an toàn để làm điều đó). Ai là người Việt Nam lại không thấy xấu hổ vì “nổi tiếng” theo cách đó?
Điều đáng nói, có phải người Việt thật sự thiếu ý thức giao thông? Giống như việc xả rác nơi công cộng, hành vi vi phạm an toàn giao thông của người Việt không xảy ra ở nước ngoài, tức là về cơ bản vẫn ý thức được đúng sai. Thế nhưng ở trong nước thì việc này vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ với không ít người vi phạm. Điều này chỉ có thể lý giải là do người dân vẫn còn tư tưởng xem thường pháp luật, hùa theo số đông, thiên hạ vi phạm được thì mình cũng theo.
Đã đến lúc phải kiên quyết lập lại trật tự giao thông cũng như nâng cao văn hóa của người dân khi tham gia giao thông. Muốn vậy, cần phải xử lý, chế tài, thậm chí trừng phạt các lỗi vi phạm thật nghiêm theo đúng tinh thần pháp trị. Lực lượng cảnh sát giao thông đại diện cho cơ quan thực thi pháp luật cũng phải thật trong sạch, không được nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm cũng như không được “du di”, tùy tiện tha hay phạt.
Nhưng quan trọng hơn cả, đó là phải chấn chỉnh lại công tác giáo dục về giao thông. Để cải thiện ý thức của người tham gia giao thông, tốt nhất là thực hiện giáo dục từ lứa tuổi học sinh, bởi đây là lứa tuổi định hình tính cách, nhận thức. Nên có hẳn giáo trình giảng dạy về Luật Giao thông đường bộ, về đạo đức và văn hóa giao thông; kiên trì với những bài học đơn giản, có chiều sâu và lặp đi lặp lại để trở thành phản xạ tự nhiên chứ không phải bằng những đợt cao điểm hô hào rồi dừng lại.
Lập lại trật tự giao thông không chỉ thể hiện một xã hội kỷ cương, văn hóa mà còn là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tai nạn giao thông. Đừng để thói xấu này ngày càng trở nên thâm căn cố đế, ăn sâu vào gốc rễ đến tận các thế hệ sau, đến lúc đó mới chấn chỉnh e rằng đã quá muộn.
H.L