Sắp tới đây, Nhà nước sẽ "khai tử" hộ khẩu - một trong những rào cản rất lớn trong việc tự do đi lại, tự do cư trú, tự do giao dịch dân sự, học tập, làm việc, kết hôn, hộ chiếu xuất cảnh, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, bảo hiểm, hưu trí, quyền mua sắm tài sản cá nhân… trong suốt thời gian qua.
Sắp tới đây, Nhà nước sẽ “khai tử” hộ khẩu - một trong những rào cản rất lớn trong việc tự do đi lại, tự do cư trú, tự do giao dịch dân sự, học tập, làm việc, kết hôn, hộ chiếu xuất cảnh, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, bảo hiểm, hưu trí, quyền mua sắm tài sản cá nhân… trong suốt thời gian qua.
Tùy từng thời điểm lịch sử, trước đây quản lý nhà nước bằng hộ khẩu là cần thiết trong nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp, nó là cơ sở để phân phối các nhu yếu phẩm như “sổ gạo”, tem phiếu thực phẩm, chất đốt… Nước ta đã trải qua hơn 20 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhưng sổ hộ khẩu vẫn còn quyền năng quá lớn. Hàng chục thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu đã gây cản trở cho sự phát triển, vô tình hạn chế quyền công dân tự do cư trú mà Hiến pháp đã quy định. Chúng ta từng chứng kiến hoặc ít nhất cũng được nghe “công an kiểm tra hộ khẩu”, khi kiểm tra mà không có đăng ký tạm trú, tạm vắng thì sẽ bị xử phạt; ám ảnh hơn đó là việc “chạy trường, chạy lớp” cho con em đi học, hay xin vào làm việc tại các cơ quan nhà nước thì cái hộ khẩu nó có quyền năng rất lớn, tiêu chuẩn đầu tiên phải có hộ khẩu tại địa phương đó, do đó điều tất yếu là nó nảy sinh tiêu cực “chạy hộ khẩu”. Khi Luật Cư trú ra đời năm 2006, việc cắt - nhập hộ khẩu thường trú, đăng ký tạm trú, tạm vắng trở nên thông thoáng hơn, dễ dàng hơn, nhưng hộ khẩu vẫn còn ràng buộc đối với người dân trong các quan hệ dân sự.
Ở các nước phát triển, họ không quản lý hộ khẩu như nước ta, thay vào đó mỗi công dân được Nhà nước cấp cho một mã số công dân suốt đời. Trong đó, một công dân nếu thay đổi chỗ ở (nơi cư trú) phải đăng ký nhập thông tin thay đổi trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của nước đó và tất cả các thông tin lý lịch liên quan đến cá nhân công dân đều được khai báo rành mạch. Với cách quản lý như vậy đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nắm chắc, xác minh nhanh lý lịch tư pháp, lý lịch chính trị của mỗi công dân. Còn ở nước ta trong thời gian qua chưa triển khai được mã số định danh cá nhân đã làm khó khăn, chồng chéo trong quản lý con người, làm tốn kém khá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước và công dân. Mới đây, TP.Hồ Chí Minh đã tiên phong tháo gỡ rào cản hộ khẩu trong việc tuyển dụng công chức vào các cơ quan công quyền, qua đó chính quyền thành phố sẽ tìm kiếm nhiều người tài từ các nơi về làm việc cho thành phố. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là chính sách khôn ngoan, cởi mở của chính quyền thành phố trong chiến lược phát triển thành phố trong tương lai.
Trước yêu cầu phát triển trong tình hình mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP yêu cầu ngành công an trong thời gian tới phải bỏ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, thay vào đó sẽ quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Mặc dù sự thay đổi này có chậm so với yêu cầu phát triển, nhưng đó là điều tất yếu của thời kỳ công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, thời kỳ dân trí đã được nâng cao và quan trọng hơn nó phục vụ cho công tác quản lý nhà nước thuận tiện, chính xác, nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm rất lớn cho ngân sách Nhà nước và của công dân, ngăn ngừa tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức dựa vào hộ khẩu để hành dân.
KIM VINH