Chỉ chưa đầy nửa năm sau khi phong trào giải cứu chuối cho nông dân tại Đồng Nai trở nên rầm rộ, lan rộng khắp cả nước, tưởng như nông dân sẽ nhìn lại cách thức đầu tư, tìm đầu ra, mở rộng thị trường cho loại cây này.
Chỉ chưa đầy nửa năm sau khi phong trào giải cứu chuối cho nông dân tại Đồng Nai trở nên rầm rộ, lan rộng khắp cả nước, tưởng như nông dân sẽ nhìn lại cách thức đầu tư, tìm đầu ra, mở rộng thị trường cho loại cây này. Thì nay, lại dấy lên những cảnh báo đáng lo ngại bởi phần lớn nông dân đang trồng chuối kiểu… cầu may, nghĩa là trồng mà không nắm được rõ ràng thị trường tiêu thụ.
Chưa có một thống kê chính thức nào về diện tích chuối tại Đồng Nai hiện nay, song ước tính con số lên đến hàng ngàn hécta tại các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất… Và theo tìm hiểu, nông dân trồng chuối hiện đang đặt kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc, dựa trên thực tế là quốc gia này không trồng được nhiều chuối vào mùa đông.
Câu hỏi đặt ra là liệu cây trồng này có đáng khuyến khích nhân rộng diện tích sau những lần ế ẩm vì không tiêu thụ được? Thực ra, câu trả lời nằm ở chỗ: người nông dân đang sản xuất trái chuối theo chuẩn nào? Và xuất khẩu đi đâu? Một sự thật là chuối là loại trái cây phổ biến trên thế giới với lượng tiêu thụ cao, và cánh cửa xuất khẩu chuối đang ngày một mở rộng ra ở các thị trường Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… Tuy nhiên, đáng buồn là mặc dù sản xuất nhiều đến mức thừa mứa, phải kêu gọi người tiêu dùng “giải cứu”, nhưng lại chỉ có một phần rất nhỏ sản lượng chuối đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường nói trên. Một minh chứng, Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam đã và đang xuất khẩu chuối rất tốt đi Hàn Quốc, và đang có ý định mở rộng diện tích vùng nguyên liệu từ 50 hécta lên 100 hécta vì đã tìm được nhiều khách hàng lớn tại Nhật Bản. Đại diện doanh nghiệp này cho biết đơn hàng nhiều nên luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Trả lời câu hỏi vì sao không mua chuối của nông dân trong vùng để xuất khẩu, doanh nghiệp này cho biết chất lượng chuối của nông dân đáng tiếc là không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, vì dù chịu mua giá cao nhưng thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đều đòi hỏi chất lượng và sự an toàn rất cao từ khâu giống đến khâu thu hoạch, bảo quản.
Như vậy, điều cốt yếu hiện đang nằm ở chất lượng trái chuối. Sự thật là chuối canh tác đại trà hiện chỉ có thể bán đi Trung Quốc vì thị trường này không đòi hỏi cao về chất lượng. Nên như bao lần khác, khi thị trường này có biến động là nông dân lại lao đao. Ai cũng hiểu, cách làm căn cơ lâu dài là nông dân hợp tác với doanh nghiệp để trồng chuối đạt chuẩn theo quy trình kiểm soát chặt chẽ để cho ra trái chuối chất lượng, rồi bán đi các thị trường tuy khó tính nhưng bền vững. Song thay đổi điều này không dễ, cách đây mấy năm, từng có một doanh nghiệp phải rút khỏi dự án cánh đồng lớn cây chuối tại Trảng Bom vì không thuyết phục được nông dân cùng “đồng cam cộng khổ” trong giai đoạn đầu nhằm nâng chất cho trái chuối.
Nhìn rộng ra, không chỉ chuối mà ở đa số các cây trồng khác, nông dân cũng đang chọn điều dễ trước mắt để làm mà chưa chịu thay đổi tư duy từ gốc. Sản xuất hàng loạt với các tiêu chí dễ dãi rồi bán đi những thị trường dễ tính với giá rẻ, thay vì chịu khó đầu tư nâng cấp để sản phẩm vào được những thị trường khó tính với giá cao. Biết vậy, song thay đổi không phải dễ, không phải một sớm một chiều là có thể thay đổi được tư duy và cách làm từ trước đến nay. Chỉ mong rằng qua những bài học “thương đau”, từ từ người nông dân sẽ nhìn nhận và chịu đầu tư cho một tương lai xa hơn, nhiều lợi ích hơn là làm theo kiểu cầu may như hiện tại.
Vi Lâm