Tổng cộng có tới 44 cảng trên 4 hệ thống sông lớn của Đồng Nai đã được Bộ Giao thông - vận tải phê duyệt quy hoạch. Cụ thể, trên sông Đồng Nai được quy hoạch 9 cảng, bao gồm 6 cảng tổng hợp và 3 cảng chuyên dùng.
Tổng cộng có tới 44 cảng trên 4 hệ thống sông lớn của Đồng Nai đã được Bộ Giao thông - vận tải phê duyệt quy hoạch. Cụ thể, trên sông Đồng Nai được quy hoạch 9 cảng, bao gồm 6 cảng tổng hợp và 3 cảng chuyên dùng. Sông Nhà Bè cũng có 9 cảng, bao gồm 3 cảng tổng hợp và 6 cảng chuyên dùng. Sông Lòng Tàu có 18 cảng, gồm 4 cảng tổng hợp, 1 cảng chuyên dùng, 1 trung tâm dịch vụ hàng hải và 12 cảng nằm trong khu vực Khu công nghiệp Ông Kèo. Hệ thống cảng trên sông Thị Vải gồm 5 cảng tổng hợp và 3 cảng chuyên dùng.
Tuy nhiên, đến lúc này chỉ mới 21 cảng được đầu tư và đi vào hoạt động, chiếm chưa đầy 50% số cảng được quy hoạch. Chưa kể, những cảng đã được đầu tư chủ yếu là cảng có quy mô nhỏ, manh mún, tính kết nối chưa cao nên hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa thấp. Tính kết nối giữa các cảng với các đường giao thông trong khu vực chưa cao, cũng chưa hình thành được các cảng đầu mối có tính tập trung nên rất nhiều doanh nghiệp thường chọn các cảng lớn của TP.Hồ Chí Minh để vận chuyển hàng, thay vì chọn các cảng nhỏ trong khu vực gần nơi sản xuất. Song điều đáng ngại hơn cả là quy mô các cảng hiện rất nhỏ, những cảng có diện tích 40 hécta trở lên đếm trên đầu ngón tay, có những cảng chỉ rộng… vài hécta. Một lý do khác nữa là do manh mún, nhỏ lẻ nên hệ thống dịch vụ, kho bãi phục vụ cho các cảng tại Đồng Nai còn thiếu và yếu, khó thu hút khách hàng.
Lãnh đạo tỉnh hiện đang khá nóng ruột với tình hình phát triển manh mún của hệ thống cảng, nhất là khi có những nhà đầu tư nước ngoài xin đầu tư cảng. Song với quy mô trên 100 hécta thì… không có đất, dù cảng nhỏ lẻ phân bố khắp nơi, dẫn đến tình trạng thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa. Hiện tại, 23 cảng còn lại có trong quy hoạch vẫn “lèng èng” chưa triển khai được vì nhiều nguyên nhân, có khi do năng lực chủ đầu tư, hoặc do yếu tố khách quan trong việc giải phóng mặt bằng. Điều cần làm là phải rà soát lại quy hoạch và tình hình thực hiện quy hoạch cảng để kiên quyết loại bỏ những dự án bất khả thi, sắp xếp lại hệ thống, dồn lực đầu tư những cảng quy mô lớn và có tầm khu vực.
Theo kế hoạch, năng lực thông quan của các bến cảng ở Đồng Nai năm 2020 đạt từ 20-21 triệu tấn/năm, năm 2030 từ 51-58 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay tổng sản lượng thông quan chỉ đạt hơn 11 triệu tấn/năm, còn quá thấp so với nhu cầu và tiềm năng.
Trong tầm nhìn 5 hay 10 năm tới, phát triển đồng bộ hệ thống cảng là yêu cầu tối quan trọng để kết nối vận chuyển và xuất - nhập hàng hóa giữa các khu vực Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch - TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, không còn nhiều thời gian để rà soát và xử lý những tồn đọng của vấn đề này. Chưa kể, khi hệ thống giao thông đường bộ phát triển hoàn chỉnh, xa hơn nữa, khi Sân bay Long Thành hoạt động, vấn đề này còn thiết yếu hơn. Không nên để tầm nhìn hạn hẹp hôm nay trở thành điểm nghẽn cho sự phát triển chung trong tương lai.
Vi Lâm