Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng nghe, sửa đổi

10:10, 09/10/2017

Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Thông tư Ban hành quy tắc ứng xử trong lực lượng công an nhân dân, trong đó quy định rõ những quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, ứng xử trong nội bộ, trong quan hệ xã hội.

Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Thông tư Ban hành quy tắc ứng xử trong lực lượng công an nhân dân, trong đó quy định rõ những quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, ứng xử trong nội bộ, trong quan hệ xã hội. Trong dự thảo, ở Khoản 2, Điều 4 quy định: tôn trọng, tận tụy phục vụ nhân dân; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Dự thảo cũng quy định quá trình giao tiếp, làm việc với người dân của cán bộ, chiến sĩ công an phải bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân.

Trong bối cảnh hiện nay, việc ngành công an ban hành quy tắc ứng xử là rất cần thiết. Lực lượng công an với nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội nên thường xuyên tiếp xúc, “va chạm” với người dân, nhất là với người vi phạm, nếu cán bộ, chiến sĩ công an không chuẩn mực, khéo léo trong ứng xử sẽ dễ biến thành “đối đầu”, đặc biệt là trong xử lý vi phạm.

Thời gian qua không ít hình ảnh chưa đẹp trong ứng xử, thậm chí tiêu cực của một số cán bộ, chiến sĩ công an xuất hiện trên mạng khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín lực lượng công an nhân dân. Tạm không nhắc đến vấn đề tiêu cực, mà chỉ nói riêng đến những ứng xử chưa đẹp của một số cán bộ, chiến sĩ trong ngành. Vì sao vậy? Đó là vì vẫn còn có những người trong ngành công an xem mình thuộc về cơ quan quyền lực chứ không phải là phục vụ nhân dân, khi giải quyết vấn đề vẫn nặng tính áp đặt chứ không phải thuyết phục, trong xử lý cũng mang tính chất xử phạt máy móc, thiếu tính giáo dục… khiến người dân cảm thấy xa lạ, thiếu thiện cảm, thậm chí phản cảm.

Một trong 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, đó là đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép. Lời thề danh dự của công an nhân dân là suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Trong 10 điều kỷ luật của ngành công an cũng quy định: nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Bởi vì, chỉ riêng tên gọi “Công an nhân dân” đã nhấn mạnh tính chất đây là một bộ phận của Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.

Để thực hiện tính minh bạch trong quá trình công tác, tư cách đạo đức của cán bộ, chiến sĩ công an, không gì hơn là thông qua sự giám sát của nhân dân. Ngành công an lắng nghe ý kiến của nhân dân là sự vận dụng sáng tạo, thiết thực và cụ thể hóa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, qua đó mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ tăng cường ý thức sửa đổi lề lối, tác phong làm việc, góp phần xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ngành công an trong cả nước đã triển khai diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân”, trong đó Công an TP.Biên Hòa là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai diễn đàn này, qua gần 1 tháng thực hiện đã nhận được hàng ngàn ý kiến đóng góp của người dân về thái độ, tác phong cũng như tinh thần phục vụ nhân dân của các cán bộ, chiến sĩ công an trên địa bàn. Đây là tín hiệu tốt. Đã “lắng nghe”, nhưng còn vế thứ 2 quan trọng hơn là “sửa đổi”. Có thực hiện được điều này thì hiệu quả của diễn đàn mới được phát huy, hình ảnh người công an nhân dân mới ngày càng đẹp hơn trong mắt người dân.    

Hà Lam

Tin xem nhiều